Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy ra mắt từ 8/1, với sự góp mặt của nhiều gương mặt quen thuộc như nghệ sĩ Hữu Châu, Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân, Will, Thanh Bình…
Phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, với trọng tâm là truyện ngắn Lão Hạc.
Không phải "Làng Vũ Đại ngày ấy" thứ hai
Năm 1982, chùm tác phẩm của nhà văn Nam Cao được đưa lên màn ảnh qua Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Kịch bản phim được nữ biên kịch Đoàn Lê chuyển thể từ nội dung tiểu thuyết Sống mòn cùng hai truyện ngắn Lão Hạc, Chí Phèo.
Trong cuốn 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Làng Vũ Đại ngày ấy được nhận xét là “vừa tôn trọng những chất liệu văn chương của nhà văn Nam Cao, vừa sáng tạo để tạo nên một không gian điện ảnh với khả năng kết nối tài hoa giữa ba tác phẩm độc lập trở thành một bộ phim thống nhất”.
Làng Vũ Đại ngày ấy diễn ra dưới góc nhìn của nhân vật giáo Thứ (Hữu Mười đóng). Trong phim, anh đảm nhận hai vai trò: Một nhân vật khốn cùng giữa bức tranh làng Vũ Đại tiêu điều, người dẫn truyện đứng cao hơn tất cả.
Vai trò thứ hai mà giáo Thứ đảm nhận trao cho anh không gian để chiêm nghiệm, cũng chính là tâm sự với khán giả, sau mỗi trường đoạn trên màn ảnh. Nhờ vậy, Làng Vũ Đại ngày ấy sáng rõ luận điểm tố cáo tội ác giai cấp bóc lột, cũng như tính tất yếu của phong trào đấu tranh trong quần chúng nhân dân.
Ra đời gần bốn thập kỷ sau Làng Vũ Đại ngày ấy, Cậu Vàng khơi lại mạch chảy của cuộc sống nông thôn vùng Bắc Bộ trước Cách mạng tháng Tám vốn không có nhiều cơ hội hiện diện trên màn ảnh rộng hiện đại. Bộ phim cũng khai thác hệ thống nhân vật từ kho tàng tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nhưng với một cách tiếp cận khác.
Phim xóa bỏ vai trò của người dẫn truyện duy nhất, kể cùng lúc cảnh đời của lão Hạc cũng như chuyện nhà Bá Kiến. Họ tồn tại trên phim như hai giá trị tuyệt đối của tốt và xấu, của nghèo hèn trái ngược với giàu sang, của cô quạnh so với sung túc, của sự vị tha đối chọi với lòng tham không đáy…
Mâu thuẫn được kể mới giữa lão Hạc và Bá Kiến mang đến cho Cậu Vàng góc nhìn mới mẻ, đa chiều. Bộ phim là không gian mở, nơi tất cả nhân vật đều được cất tiếng nói, bao gồm cả chú chó Vàng trước đó luôn xuất hiện vô cùng khiếm tốn cả trên màn ảnh lẫn trang sách.
Nhưng bi kịch ập đến với cậu Vàng cũng từ những đổi thay ngỡ rằng lớn lao ấy. Công chúng bối rối ngay khi đón nhận những thông tin bên lề, từ rất lâu trước khi câu chuyện trên màn ảnh được hé lộ.
Sự phản đối từ công chúng
Gần bốn thập kỷ sau ngày Làng Vũ Đại ngày ấy ra mắt, và lâu hơn thế từ thời điểm tác phẩm của Nam Cao ra đời, những từ “Chí Phèo”, “lão Hạc”, "Bá Kiến", “làng Vũ Đại” vẫn còn nguyên sức gợi mở. Chúng khiến người nghe nhớ đến không gian làng quê Bắc Bộ đói kém trong khoảng 1930-1945, nơi cường hào ác bá mặc sức ức hiếp dân lành…
Đó là phông kiến thức, cũng như cảm thức nhất định của khán giả, và trở thành chướng ngại để Cậu Vàng tiếp cận số đông.
Trên không gian mạng, Cậu Vàng luôn bị phản đối do sử dụng một chú chó ngoại vào vai con Vàng của lão Hạc. Một số quan điểm cực đoan kêu gọi tẩy chay phim vì sử dụng quốc khuyển Nhật Bản vào bộ phim lấy bối cảnh thời điểm phát xít Nhật xâm lăng Việt Nam.
Sau khi ra mắt, phim tiếp tục bị chê trách làm hỏng nguyên tác văn học của Nam Cao khi không theo sát cốt truyện, nhân vật trong nguyên tác. Theo chia sẻ từ phía gia đình, kịch bản Cậu Vàng được NSƯT Bùi Cường lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Nam Cao.
Việc “lấy cảm hứng” - cụm từ được ghi rõ trên poster - cho phép nhà làm phim được quyền chủ động sáng tạo với các nhân vật và cốt truyện, trên tinh thần đảm bảo truyền tải đúng tinh thần và thông điệp của nguyên tác.
Trên thế giới, không thiếu những bộ phim được biến tấu dựa trên cảm hứng từ danh tác văn học. Chẳng hạn như lấy cảm hứng từ Sherlock Holmes của Sir Arthur Conan Doyle, các nhà làm phim nước Anh đã tạo ra series Sherlock, Mỹ có Elementary và Nhật Bản có Miss Sherlock.
Nói cách khác, Cậu Vàng không bắt buộc phải tái hiện chính xác thời điểm lịch sử 1930-1945 hay kể về tinh thần giác ngộ cách mạng của các nhân vật trong nguyên tác. Giá trị nhân văn mà NSƯT Bùi Cường muốn tập trung truyền tải qua tác phẩm là tình làng nghĩa xóm khăng khít, tối lửa tắt đèn có nhau của người với người, cũng như sự trung nghĩa giữa người với vật.
Khi cải tiến thành bước hụt chân
Ở góc nhìn hẹp, việc lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nam Cao là cơ hội để Cậu Vàng trở nên khác biệt, so với Làng Vũ Đại ngày ấy nói riêng, và những bộ phim về nông thôn Việt Nam nói chung. Nhưng những cải biên với nỗ lực mang đến cho khán giả cái nhìn đa chiều về câu chuyện cũ, dưới bàn tay của đạo diễn Trần Vũ Thủy, lại khiến bộ phim mất nhiều hơn được.
Thay đổi mang tính quyết định trong Cậu Vàng đến từ việc biên kịch đã viết lại câu chuyện của nhiều nhân vật. Nhưng trái ngang thay, phần lớn đều là những cái tên đã được xếp vào hàng lưu manh, đại ác: Binh Tư, Lý Cường, mụ vợ ba nanh nọc của Bá Kiến…
Sự thay đổi theo hướng để các nhân vật phản diện, cũng chính là giai cấp bóc lột, nói quá nhiều về nỗi khổ của bản thân vô tình tạo cảm giác bộ phim như một thứ chủ nghĩa xét lại đi ngược hiểu biết và cảm xúc của khán giả.
Việc trao cho phe phản diện cơ hội tự bào chữa cũng khiến mâu thuẫn giữa thiện và ác, tốt và xấu, địa chủ và bấn cố nông trong tác phẩm phần nào bị triệt tiêu. Dần dà, Cậu Vàng chỉ còn lại thứ cảm giác chung chung rằng ai cũng là nạn nhân của thời cuộc, nhưng thời cuộc ấy là gì thì lại chẳng rõ hình hài.
Vì cú "chuyển hướng" lợi bất cập hại này, phim đồng thời không thể chỉ ra, hay giải quyết sòng phẳng mâu thuẫn giữa người với người, giữa giai cấp với giai cấp - vốn là dấu ấn của thời đại, của nguyên tác văn học từng được thể hiện rõ nét trong Làng Vũ đại ngày ấy.
Chí Phèo đâm chết Bá Kiến, thầy giáo Thứ tìm đường theo cách mạng là cái kết sòng phẳng giữa người với người. Nhưng Vàng cùng đàn chó hoang cắn xé Lý Cường, rồi Bá Kiến hóa điên, thì không. Đó là lối giải quyết kiểu cổ tích, nơi người ta phải viện đến những thế lực siêu nhiên để đòi lại công bằng.
Tất nhiên, cái kết viết thêm của Cậu Vàng vẫn hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Nhưng đó chỉ là tương lai tươi sáng của một cuộc đời may mắn hơn những số phận lầm than khác. Nó mang tính cá thể, không dự báo được cuộc vùng lên đấu tranh giành quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của người nông dân mà khán giả kỳ vọng.
Kết quả, dù được thực hiện với công nghệ điện ảnh tân tiến, kịch bản lồng ghép những vấn đề thời sự, thậm chí thời thượng, Cậu Vàng vẫn gợi cảm giác cũ kỹ. Tác phẩm giống với những series truyền hình nông thôn Bắc Bộ trong thập niên 1990, 2000 hơn một phim điện ảnh hiện đại.
Cậu Vàng là một tác phẩm thiếu vắng ngôn ngữ điện ảnh và mập mờ trong thông điệp. Nhưng việc sử dụng một chú chó ngoại không biến nó thành tác phẩm sai lệch lịch sử. Tương tự, khẳng định phim phá hỏng nguyên tác của Nam Cao là áp đặt khi phim chỉ sử dụng di sản văn học của ông làm nguồn cảm hứng.
Song, sự non kém trong các khâu làm phim đã khiến thành phẩm giống như một cú bước hụt khiến người xem phải ngao ngán.
Bình luận