(VTC News) - Câu chuyện về phí phương tiện vẫn tiếp tục được nối dài, khi các doanh nghiêm kinh doanh vận tải tại Hà Nội liên tục lên tiếng “kêu than” về các loại phí thu trên đầu phương tiện, không ít doanh nghiệp không ngại ngần đặt viễn cảnh từ bỏ kinh doanh vận tải.
Phí bóp chết doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc hãng taxi Hùng Vương cho rằng: “Hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang phải chịu quá nhiều mức phí khi hoạt động, như phí môi trường thu qua xăng dầu, phí cầu đường, tới đây có thêm phí bảo trì, phí lưu hành… các mức phí quá cao, doanh nghiệp và người dân không thể chấp nhận được”.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Quốc Khải, Chủ nhiệm Hợp tác xã taxi Nội Bài đề nghị nhà nước nên xem xét lại các khoản phí, vì hiện nay các nước phát triển trên thế giới vận tải công cộng còn được ưu tiên nhiều, thậm chí bù giá, còn ta vừa rồi lại tăng phí. Cước vận tải nước ngoài rẻ vì giá xe họ thấp, còn ở ta giá xe đã đắt, lại nhiều phí, thuế, nên giá cước cũng cao.Các doanh nghiệp vận tải lo lắng vì phải nộp phí quá nhiều. Ảnh minh họa Internet.
“Với các xe container, chúng tôi sẽ phải mất 1,4 triệu đồng/tháng phí bảo trì đường bộ, và phải nộp 6 tháng 1 lần qua đăng kiểm. Như vậy, 50 đầu xe của chúng tôi đều đi đăng kiểm một lần và phải nộp phí 6 tháng, thì số tiền đã lên tới vài trăm triệu, một số tiền quá lớn, cách làm này không khác nào bóp chết chúng tôi ngay lập tức”, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà, chuyên vận chuyển hàng hóa bằng container xót xa.
Ngoài ra, ông Ngọc cũng nếu vấn đề bất cập của cách thu phí, xe chạy nhiều và chạy ít đều phải nộp, thậm chí có xe phải đem đi sữa chữa cả tháng cũng nộp phí như vậy. Vì vậy, ông Ngọc cho rằng, cần phân biệt xe cá nhân và xe kinh doanh, xe kinh doanh tạo việc làm, phục vụ nhu cầu xã hội, không nên đánh đồng chung vào một cái.
Còn ông Trịnh Xuân Nhật, Giám đốc một Công ty Vận tải hàng hóa bằng container cũng tỏ ra rất lo lắng khi doanh nghiệp đang gặp khó về hàng hóa, phương tiện xuống cấp vì không còn nhiều tiền đầu tư vào phương tiện mới; Xăng dầu tăng, nhưng giá cước chưa tăng ngay được. Doanh nghiệp đang rất khó trong việc đảm bảo hiệu quả và doanh thu.
Với xe khách, đại diện HTX vận tải Thăng Long cho rằng: “Đừng để các doanh nghiệp, chủ xe phải chịu mức tiền quá lớn không thể chịu nổi. Đây là loại hình cơ động phổ thông, lái xe đã cùng cực rồi, những nhà hoạch định chính sách chưa thấy hết khó khăn của họ, chưa nhìn thấy phí vô hình ngoài phí trên đường, đây là “luật” đi trên đường dù bất thành văn nhưng ai cũng phải chịu”.
Xin hoãn thu phí
Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô đều có chung đề xuất Bộ Giao thông vận tải, và các ngành chức năng xem xét lại các khoản phí, trước mắt với phí bảo trì xin cho hoãn tới năm 2013, và chỉ thu bằng 60% mức đề xuất hiện nay… như kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội.
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét lại tất cả các loại phí, vì hiện nay các doanh nghiệp đã rất khó khăn rồi, giờ tăng thêm chi phí. Nếu có thu thì cho dời thời hạn thu phí bảo trì và phí phương tiện cá nhân theo thời gian cụ thể, và có lộ trình để các doanh nghiệp theo kịp”, ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc công ty vận tải hành khách Thiên Trường đề xuất.
Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Xuân Đức, Giám đốc công ty vận tải Xuân Đức đưa quan điểm: “Đồng ý là thu, nhưng thu thế nào, thu mức bao nhiêu phải có lộ trình, chứ không phải đề ra là đè cổ thu luôn. Có thể cho vào giá nhiên liệu, thuế… Mức thu 1 năm 20 triệu đồng thì làm sao đóng được, 1 xe còn được, chứ 10 xe thì làm sao? Vốn của doanh nghiệp là phải vay, mà chủ yếu là ngoài, không vay được của ngân hàng”.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, nếu có thu thì phải áp dụng công nghệ hiện đại, như thu bằng chíp hoặc qua xăng dầu, để nếu có xe nào hỏng phải nằm xưởng cũng không bị thiệt, có thể thu 1 tháng 1 hoặc xe đi đến đâu thu đến đó… Số tiền thu được phải được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân.
Lê Việt - Lê Viên
Bình luận