Tại những khu vực dọc vùng vĩ độ trung bình trên sao Hỏa, các nhà khoa học tìm thấy hàng lớp nước băng đá bị chôn vùi chỉ cách bề mặt hành tinh vài chục cm. Khám phá này bổ sung thông tin quan trọng về lịch sử địa chất của sao Hỏa, đồng thời có khả năng quyết định đến nguồn nước cho con người trên sao Hỏa trong tương lai.
“Đây là một cánh cửa sổ mới mở ra về băng dưới đất trên sao Hỏa” – Colin Dundas, nhà địa chất học tại cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, đồng phát hiện các lớp băng cho biết.
Từ rất lâu trước đây, các nhà khoa học có giả thuyết rằng trữ lượng nước đá trên sao hỏa bị giam dưới lòng đất. Năm 2002, tàu vũ trụ Odyssey của NASA quét qua hành tinh từ quỹ đạo và tìm thấy dấu hiệu băng nằm nông dưới mặt đất ở vĩ độ cao.
Năm 2008, tàu vũ trụ Phoenix của NASA đào được băng đá khi hạ cánh gần cực bắc của sao Hỏa.
Cuối năm 2016, các nhà khoa học sử dụng phi thuyền trinh sát sao hỏa MRO và tìm thấy một thềm băng bị chôn vùi tại vĩ độ trung bình, có lượng nước nhiều tương đương hồ Thượng (Lake Superior, một trong các hồ nước ngọt lớn nhất thế giới).
Nhưng đến tận nghiên cứu của Dundas được đăng trên tạp chí Science, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được mức độ và khả năng tiếp cận của lớp băng dưới lòng đất trên sao Hỏa.
“Đó là những hình ảnh tuyệt vời về băng dưới lòng đất từng được dự đoán trước đó” – một nhà khoa học nói. “Chúng ta có thể lấy mẫu băng để ghi lại sự thay đổi khí hậu trên sao Hỏa gần đây, cũng giống như trên Trái Đất.”
Theo National Geographic, phát hiện này còn ảnh hưởng đến những phi hành gia tương lai, khi họ có thể lấy nước từ môi trường bản địa trên sao Hỏa để uống hoặc tạo ra hydro và oxy để thở, cũng như metan để làm nhiên liệu cho tên lửa. Dù vậy điều này còn phụ thuộc vào độ sâu của lớp băng.
Video: Siêu bão càn quét, nhiều thành phố ở Mỹ lạnh hơn sao Hỏa
Bình luận