Đây là hố đen nhỏ nhất từng được biết đến trong dải Ngân hà và gần nhất với hệ Mặt trời.
Dù gần nhất nhưng khoảng cách 1.500 năm ánh sáng giữa Kỳ Lân và chúng ta vẫn là rất xa. Ngôi sao gần nhất với hệ Mặt trời Proxima Centauri cách chúng ta 4 năm ánh sáng.
"Chúng tôi đặt biệt danh cho hố đen này là 'Kỳ lân' một phần vì nó là một hệ thống rất độc đáo về khối lượng của và độ gần tương đối với Trái đất", Trưởng nhóm nghiên cứu Tharindu Jayasinghe - nhà thiên văn học tại Đại học bang Ohio cho hay.
Có ba loại lỗ đen. "Kỳ lân" thuộc nhóm nhỏ nhất được hình thành do sự sụp đổ lực hấp dẫn của một ngôi sao đơn lẻ.
"Rõ ràng thiên nhiên tạo ra các lỗ đen có khối lượng rất lớn. Nhưng một hố đen có khối lượng lớn gấp 3 lần Mặt trời là bất ngờ lớn", Kris Stanek - Giáo sư thiên văn học tại Đại học bang Ohio và đồng tác giả nghiên cứu.
"Kỳ lân" có người bạn đồng hành là một sao lùn đỏ sắp chết. Người bạn đồng hành này được quan sát trong nhiều năm qua.
Jayasinghe và các đồng nghiệp của ông phân tích các dữ liệu về sao lùn đỏ này và phát hiện nó thay đổi cường độ theo chu kỳ. Điều này cho thấy vật thể khác đang kéo và thay đổi hình dạng của nó.
Nhóm nghiên cứu nhanh chóng xác định vật thể này là hố đen. Dựa trên chi tiết về vận tốc của sao lùn đỏ và sự biến dạng của ánh sáng, các nhà khoa học phỏng đoán hố đen này chỉ nặng gấp 3 lần Mặt trời.
"Cũng giống như lực hấp dẫn của Mặt trăng ảnh hưởng tới các đại dương trên Trái đất, khiến thủy triều dâng lên và rút đi, hố đen cũng làm biến dạng ngôi sao", đồng tác giả nghiên cứu Todd Thompson cho hay.
Rất ít hố đen siêu nhẹ như vậy được biết đến bởi vì chúng cực kỳ khó tìm.
Các hố đen nuốt chửng mọi thứ, kể cả ánh sáng. Vì vậy, các nhà thiên văn học theo truyền thống phát hiện chúng bằng cách nhận thấy tác động của chúng đối với môi trường xung quanh. Hố đen càng nhỏ thì tác động càng nhỏ nên càng khó phát hiện.
Bình luận