Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học của Hertfordshire (Anh) vừa phát hiện thêm 60 hành tinh đang tồn tại rất gần với Hệ Mặt trời. Kết quả này nâng tổng số hành tinh mới được phát hiện từ 54 lên 114 hành tinh tính đến thời điểm hiện tại.
“Siêu trái đất” với bề mặt đá đã được tìm thấy trong hệ thống ngôi sao thứ tư gần Trái Đất nhất. Hành tinh đó được gọi là Gliese 411-b.
Tiến sĩ Mikko Tuomi từ Đại học Hertfordshire nói rằng hành tinh Gliese 411b rất khó tồn tại sự sống bởi sức nóng trên hành tinh này. Theo nghiên cứu, hành tinh Gliese 411 và Gliese 411b nằm cách Trái đất 8 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng tương đương với khoảng cách 6.000 tỷ dặm.
Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra hành tinh giống trái đất Proxima b, quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri, cách Trái đất khoảng 4 năm ánh sáng. Sao lùn đỏ là một sao khá nhỏ và có nhiệt độ thấp.
Tiến sĩ Tuomi, nhà khoa học châu Âu- người cũng tham gia vào việc phát hiện hành tinh Proxima b cho biết: "Hàng loạt phát hiện mới đánh dấu sự đột phá trong nghiên cứu khoa học. Trong những năm gần đây, số hành tinh mới được tìm thấy nhiều hơn số ngôi sao trong Hệ Mặt trời. Điều này cho thấy mỗi ngôi sao đều thuộc một hành tinh hoặc quay xung quanh các hành tinh này".
Kết quả có được dựa trên gần 61.000 quan sát cá nhân với 1.600 ngôi sao thực hiện trong khoảng 20 năm bởi các nhà thiên văn học Mỹ bằng cách sử dụng kính thiên văn Keck I ở Hawaii.
Bình luận