Sản phẩm lụa tơ tằm được người tiêu dùng ưa chuộng mua sử dụng với vẻ đẹp truyền thống, quý phái. Tuy nhiên, vụ việc thương hiệu lụa tơ tằm danh tiếng Khaisilk bị phát hiện bán sản phẩm gắn mác “made in China” hoặc có dấu cắt nhãn mác khiến người tiêu dùng lo ngại.
Để giúp người tiêu dùng phân biệt lụa tơ tằm truyền thống 100% và lụa pha, các chuyên gia cho hay lụa tơ tằm 100% rất nhẹ mỏng, mềm mượt. Khi chạm vào có cảm giác mát rượi nhưng không hề lạnh. Sợi tơ cũng rất bóng và bắt sáng và nó không hề bị dính vào da kể cả khi trời lạnh.
Video: Đốt lửa để phân biệt lụa tơ tằm, lụa pha
Trong khi đó, sản phẩm lụa pha là dễ nhăn và nhàu. Khi mua người tiêu dùng thử vò nát lụa rồi thả tay ra. Nếu như lụa về nguyên hình dáng ban đầu thì đúng là lụa tơ tằm Việt Nam.
Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Làng lụa Hội An, cho hay bằng mắt thường quan sát thì khó thể phân biệt lụa tơ tằm hay lụa pha, chỉ có cách cơ bản, phổ biến nhất là lấy mảnh nhỏ của sản đốt lên thì mới biết rõ.
Mang ra 4 mẫu sản phẩm lụa hướng dẫn cho du khách, chị Nguyễn Thị Cẩm Phú, cán bộ quản lý khu vực showroom Làng lụa Hội An, giải thích lụa tơ tằm sẽ có mùi khét như tóc, lửa tắt ngay, cháy thành muội than, khi dùng tay xoa thì không cảm giác nóng.
Tiếp tục dùng máy lửa đốt mảnh lụa tơ tằm 95% pha 5% polyeste, sản phẩm lửa cháy khói màu đen, mùi khét đặc trưng nylon, vón cục dễ gây bỏng. Còn đốt mẫu lụa tơ tằm 50% pha 50% cotton thì sản phẩm cháy khét đặc trưng giống mùi giấy cháy, không tạo muội than.
Theo các chuyên gia, lụa tơ tằm được dệt truyền thống bằng khung cửi nên thường nó thường chỉ có một màu hoặc có hoa văn rất đơn giản. Các hoa văn chỉ thường theo khuôn sẵn đơn sơ như tùng, cúc, trúc, mai, rồng, phượng, tròn, vuông…
Vì được dệt thủ công nên lụa cũng thường có một vài lỗi nhỏ, dệt không thật sự đều tăm tắp. Lụa tơ tằm truyền thống thường chỉ trắng ngà chứ ít khi có màu trắng tinh, do dệt từ tơ tằm...
Đến nay, Việt Nam còn 8 làng lụa tơ tằm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm truyền thống quy mô lớn. Một số làng lụa có truyền thống lâu đời là làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng nghề dệt đũi ở Nam Cao (Thái Bình), làng lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), làng lụa Mỹ Á (An Giang)...
Riêng làng nghề Mã Châu (huyện Duy Duyên, Quảng Nam), nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và được nhiều người biết đến nhiều nhất từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam. Trước đó, vào thế kỷ 15, làng dệt lụa Mã Châu có nhiệm vụ cung cấp lụa dệt cho giới quý tộc quan lại trong triều đình.
Sau đó đến cuối thế kỷ 19, ngôi làng này có thêm nghề trồng bông và dệt vải. Người dân đã biết áp dụng máy móc công nghiệp và sản xuất để tăng năng suất sản phẩm. Đến nay, Mã Châu vinh dự là một trong 18 làng nghề, trở thành điểm du lịch trong lễ hội “Hành trình di sản” hàng năm của Quảng Nam.
Hiện dệt lụa này có hàng chục gia đình có 5 đến 7 đời làm nghề dệt và tiếp tục ươm tơ dệt lụa cung cấp cho xuất khẩu và các hiệu may phục vụ khách du lịch tại Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, TP.HCM... và các nước châu Á.
Bình luận