(VTC News) - “Cái giá phải trả để giải quyết nợ xấu dù có tốn bao nhiều cũng rẻ hơn nhiều để cho khủng hoảng xảy ra” – Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN nói.
VAMC khó xử lí nợ nhanh
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 7, nợ xấu các nhà băng "tự báo cáo" là gần 139.000 tỷ đồng (tương đương 4,58% tổng dư nợ). Còn tỷ lệ nợ xấu theo Cơ quan Thanh tra Giám sát có thể nhỉnh hơn vài điểm phần trăm. Dù vậy, ông Lê Đức Thúy cũng như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng con số thực chất của nợ xấu còn cao hơn rất nhiều.
Thậm chí, trong báo cáo về hệ thống ngân hàng Việt Nam mới công bố cuối tháng 9, Fitch cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực vào khoảng 15%. Ngoài ra, Fitch cũng nhận xét kém minh bạch về nợ xấu cũng là một trong những rủi ro với các ngân hàng lớn của Việt Nam.
Bất kể con số nợ xấu là bao nhiêu, việc Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời và đi vào hoạt động vẫn được xem là một tín hiệu lớn cho thị trường.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cho đến thời điểm này vẫn có rất nhiều ý kiến không tán thành giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao VAMC ra đời chậm.
“VAMC ra đời chậm vì không có sự đồng thuận về phương án ở cấp cao, dùng nguồn tiền nào? Có nên dùng VAMC không? Nhưng trong bối cảnh không đồng thuận như vậy, ra đời được VAMC như hiện tại là nỗ lực rất lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết sự ra đời của VAMC đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhiều hơn sự mong đợi của chúng ta.
“Có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường Việt Nam khoảng 20 tỉ USD để mua nợ xấu.
Ngay cả tài sản của Vinashin, với 5 con tàu, họ chủ động đề nghị được mua tất và đề xuất bỏ cơ chế đấu thầu. Chúng ta đưa giá nào họ mua giá đó. Vì người ta kỳ vọng là kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014-2015. Khi đó, thương mại quốc tế phục hồi thì vận tải sẽ phát triển”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay khó khả thi, đó là chưa kể mất thời gian và cơ hội, đó là chưa nói đến việc kết quả không đạt như mong muốn.
Theo giới chuyên gia phân tích, với cách xử lý nợ xấu hiện nay của VAMC, là mua nợ xấu về, tái cơ cấu lại hoạt động DN sau đó mới bán. Cách xử lý này cùng với sự hạn chế của VAMC (chỉ có 50 người và số tiền NHNN cho phép cũng có hạn) thì sẽ rất lâu mới xử lý được con số nợ xấu khổng lồ hiện nay.
Đó là chưa kể việc VAMC muốn bán nợ cũng không dễ. Bởi các tập đoàn nước ngoài mua nợ xấu thì thường mua với khối lượng lớn và điều kiện đi kèm về mặt pháp lý cũng không đơn giản. Bản thân VAMC cũng chỉ mới bắt đầu mua nợ. Kho vàng chỉ mới tích tụ.
Trước đó, hồi đầu năm, tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cũng nhấn mạnh hạn chế sử dụng vốn nhà nước xử lý nợ xấu, dự kiến không dùng tiền ngân sách để xóa nợ...
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ thành lập Công ty quản lý và khai thác tài sản Việt Nam (VAMC) và hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Nguồn vốn hoạt động thấp hơn nhiều so với số nợ xấu và trong đó ngân sách Nhà nước chỉ tham gia một phần. Nguồn vốn chủ yếu để xử lý nợ xấu là từ phát hành trái phiếu và các công cụ nợ khác.
Không thể dựa vào chính sách tiền tệ
Điều khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là làm thế nào để giải quyết nợ xấu mà tránh phải trả giá quá đắt trong thời gian sau. Thậm chí đến lúc nào đó không có điều kiện để mặc cả.
Theo ông Thúy, muốn giải quyết nợ xấu phải chấp nhận giá phải trả. “Cái giá phải trả để thoát khủng hoảng dù có tốn bao nhiều cũng rẻ hơn nhiều để cho khủng hoảng xảy ra. Vậy chúng ta phải trả giá, chấp nhận những cái giá, đừng bảo phải coi chừng lợi ích nhóm thế này thế khác, coi chừng một lúc rồi chả làm được gì”, ông Thúy nhấn mạnh.
Ông Thúy cho rằng, nếu chỉ dựa chính sách tiền tệ thì làm sao được.
“Việt Nam rất giỏi ở chỗ giải quyết nợ xấu không bằng vốn ngân sách. Vậy thì giải quyết kiểu gì? Nếu in tiền thì nợ xấu càng xấu hơn, không nâng trần nợ công, không đi vay thì làm thế nào được.” - ông Thúy phân tích.
Ông Thúy còn dẫn chứng, ít nhất phải nói từ khi khủng hoảng xảy ra hầu hết các NHTW đi theo chính sách nới lỏng tiền tệ, đưa lãi suất về gần 0... FED đã bơm nền kinh tế 2.000 tỷ USD, trong đó 565 tỷ USD cho các NHTW vay, 300 tỷ USD cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vay để mua lại trái phiếu, NHTW châu Âu 1100 tỷ EU để các NHTM khu vực đc vay tái cấp vốn dài hạn đến 2015 mới phải trả để đảm bảo thanh khoản…
“Đó là những chính sách bất thường, không có tiền lệ, không theo sách vở lâu này để giải quyết khủng hoảng, tạo sức khỏe cần thiết cho “con bệnh” để nó có thể chịu đựng được những phẫu thuật. Chúng ta không nên cực đoan”, ông Thúy phân tích.
Về nợ xây dựng cơ bản, TS. Lê Xuân Nghĩa, cho biết hiện có nhiều con số thống kề về số nợ này. Có người nói là khoảng 91.000 tỷ đồng, có người nói là 150.000 tỷ đồng và khó có thể phân biệt được đâu là nợ của ngân sách nhà nước, đâu là nợ của địa phương. Tuy nhiên, cần phải lọc số nợ này ra khỏi ngân hàng, có nghĩa, Việt Nam cần phải bắt tay vào giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước.
Minh Loan
Bình luận