• Zalo

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Phải nhìn lịch sử với thái độ đúng đắn

Thời sựThứ Sáu, 03/11/2017 18:16:00 +07:00Google News

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, sự sụp đổ mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại hướng tới.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, sự sụp đổ mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự phá sản của một số mô hình CNXH hiện thực, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.

Những ngày này, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017), những cuộc mít tinh, những cuộc gặp mặt, hội thảo, tọa đàm, giao lưu nghệ thuật, những hồi ức xúc động về thời khắc lịch sử hào hùng ấy đã và sẽ diễn ra, trong đó những bài ca Xô Viết một thời lại vang lên.

- Thưa PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, ở Việt Nam, kể cả thời kỳ Xô Viết trước đây và ngay bây giờ, dường như các tác phẩm văn học, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật thời Xô Viết vẫn được đón nhận và ưa thích. Theo ông, nguyên nhân sâu xa là gì?

Nền văn hóa Nga rất vĩ đại. Đất nước Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga có nhiều nét tương đồng với người Việt, văn hóa Việt. Điều này có thể là do lịch sử, số phận đấu tranh dựng nước và giữ nước của hai nước, hai dân tộc có nhiều điểm giống nhau. Nước Nga cũng trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc đầy hy sinh, gian khổ, đau thương.

Điều này không chỉ ở cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945, mà còn cả trong nội chiến và chống trả sự can thiệp của 14 nước đế quốc trước đó. Dường như, một dân tộc trải qua nhiều đau thương, mất mát thì trong tâm hồn, cảm xúc của dân tộc đó có nhiều hơn, mãnh liệt hơn những khát khao về hòa bình, về hạnh phúc, về cuộc sống tươi đẹp.

Cũng giống như có hai con người, hai số phận cụ thể, thì người nào sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhiều thử thách, nhiều thăng trầm thì tính cách, bản lĩnh và tâm hồn của người đó có mặt mạnh mẽ, phong phú hơn so với người sống trong môi trường khá bằng lặng, yên ả. Con người hay dân tộc đều như thế.

pgs ts nguyen the ky phai nhin lich su voi thai do dung dan hinh 1

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ.

Đối với Cách mạng tháng Mười, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ có nhiều góc nhìn, nhiều lý giải, cảm nhận, nhưng rõ ràng, lý tưởng cao cả và giá trị cốt lõi của Cách mạng tháng Mười là khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hướng tới một xã hội độc lập, tự do, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lenin đã vạch ra. Giá trị đó đến nay vẫn còn nguyên vẹn, vẫn là nguồn sáng, là cảm hứng cho nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột.

Từ lý tưởng cao đẹp của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, đến cuối năm 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập trên cơ sở liên minh, liên kết giữa nước Nga với các nước láng giềng có chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ngay sau đó, nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô Viết bắt tay thực hiện chính sách kinh tế mới do Lenin khởi xướng và lãnh đạo. Sức sản xuất được phát huy.

Các nguồn lực được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn. Quyền sở hữu tư nhân phần nào được tôn trọng. Nông dân được phép thuê mướn lao động và nộp sản phẩm thu hoạch xem như là đóng thuế. Các hạn chế thương mại được nới lỏng. Quan hệ kinh tế với nước ngoài được tăng cường.

Nhân dân và Quân đội Liên Xô đã đi đầu, góp công lớn, có tính quyết định cùng Đồng minh đánh tan chủ nghĩa phát-xít Đức-Ý-Nhật (1941- 1945), cứu loài người thoát khỏi họa diệt chủng; tạo điều kiện và thời cơ cho sự ra đời và hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, châu Á; khích lệ các dân tộc bị áp bức, nô dịch trên thế giới rũ bỏ xiềng gông, đứng lên giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh vì dân chủ, dân quyền, dân sinh, tự do, hạnh phúc.

Đóng góp của Liên Xô với loài người là rất lớn

- Tuy nhiên, trước sự tan rã của Liên bang Xô Viết, một số người đặt lại vấn đề “xem xét” lịch sử. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Thật ra, nếu có người này hay nhóm người nào đó muốn nhìn nhận lại lịch sử, xét lại lịch sử, thì chúng ta cần xem họ làm việc đó với thái độ như thế nào, có khách quan, khoa học với thái độ đúng đắn và trân trọng hay không. Còn nếu với dụng ý cá nhân, bằng áp đặt chủ quan, phiến diện, thậm chí bóp méo hay xuyên tạc lịch sử thì cần phải cảnh giác, phản bác.

Lịch sử của nhân loại cũng như của từng quốc gia, dân tộc, đương nhiên không phải lúc nào cùng bằng phẳng, hanh thông, hào hùng, tươi sáng. Vào thập niên cuối tám mươi, đầu chính mươi của thế kỷ XX, mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu sụp đổ. Một thảm cảnh đau đớn, đầy tiếc nuối, đầy day dứt của những người cộng sản chân chính và những người có lương tri, có tư tưởng tiến bộ.

Tìm căn nguyên, có nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu và dễ nhận biết. Đó là thói “kiêu ngạo cộng sản” mà Lenin từng cảnh báo, nhắc nhở; là kết cục của sự bảo thủ, giáo điều, trì trệ, không chịu nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi mới nhận thức, chậm đổi mới chính sách, thiếu giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ bối cảnh lịch sử, từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Đó là tệ quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, quay lưng, vô cảm trước đời sống nhân dân. Đó là sai lầm do không nhận thức đúng đắn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin về tính biện chứng, nguyên tắc khách quan, lịch sử, cụ thể và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 
Sự sụp đổ mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự phá sản của một số mô hình xây dựng CNXH cụ thể, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Và điều cốt tử hơn, đó là sự xa rời, thậm chí phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin, phản bội lý tưởng Cách mạng tháng Mười, phản bội nhân dân, theo con dường chủ nghĩa tư bản; là sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, của tầng lớp lãnh đạo cao nhất trong đảng cầm quyền, cần khẳng định một chân lý khách quan: Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự phá sản của một số mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội cụ thể, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.

Điều này được minh chứng bằng việc những năm qua, nhiều nước ở tây bán cầu đang tìm con đường, cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình mới; và một loạt quốc gia ở chính châu Âu (nhất là Bắc Âu) đã và đang lấy chủ nghĩa xã hội làm mục đích và cảm hứng để xây dựng, phát triển đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội phúc lợi. Minh chứng hiển nhiên, sinh động là con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và một số nước đang đi đã gặt hái rất nhiều thành công, đúc rút nhiều bài học sâu sắc.

Những gì chủ nghĩa tư bản hiện đại đang thể hiện, đang “thích nghi và đổi mới” không nằm ngoài tính quy luật mà Chủ nghĩa Marx-Lenin từng chỉ ra, càng minh chứng đúng đắn cho học thuyết cách mạng và khoa học Marx-Lenin. Sự phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với tác động sâu rộng của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, ở thời kỳ được gọi là “4.0”, một mặt, tăng thêm tiềm lực cho CNTB, mặt khác thúc đẩy nhanh hơn quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, dẫn đến các thay đổi về quy mô, tính chất của quan hệ sở hữu, quản lý, điều hành sản xuất, phân phối của cải xã hội.

Kỷ niệm trọng thể 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, nhìn lại 72 năm Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn lại quá khứ, phát huy những thành tựu và bài học quý giá; nhận rõ hạn chế, khuyết điểm và cả sai lầm để tỉnh táo, kiên quyết khắc phục và chỉnh đốn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: “... Không phải cứ khắc lên trán hai chữ “cộng sản” là được nhân dân tín nhiệm; phải khiêm tốn, không hiếu danh, không kiêu ngạo, phải nhớ mình vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Đây cũng là lúc Đảng, Nhà nước ta, cán bộ, đảng viên ta phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", ''tự chuyển hoá" trong nội bộ”; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, mở rộng đối ngoại.

Khơi dậy được cảm hứng của tuổi trẻ

Thưa ông, nhận thức của con người thời nay về các sự kiện lịch sử trước đây phụ thuộc rất nhiều vào tính trung thực và trách nhiệm của những người làm sử và truyền bá lịch sử. Để lịch sử không bị lãng quên, theo ông, tuyên truyền về sự kiện này nói riêng và các sự kiện lịch sử nói chung cần những điều gì?

Theo tôi, để giúp thanh niên có những hiểu biết về lịch sử của đất nước cũng như của nhân loại thì có lẽ nên tạo cho họ “được sống” cùng lịch sử, cùng cảm nhận, tự hào, trăn trở, day dứt trước những biến cố đã qua bằng cách học lịch sử, tham gia hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Ví dụ, thời mà thanh niên Nga nói riêng, người dân Xô Viết nói chung đã sống, lao động, chiến đấu theo lý tưởng Cách mạng tháng Mười cách đây mấy chục năm về trước có rất nhiều bài hát, như “Thời thanh niên sôi nổi”, “Đỉnh núi Lenin”, “Nhựa bạch dương”, “Chiều Hải cảng”, “Kachiusha”, “Giã biệt em gái Slavơ”, “Nước Nga, Tổ quốc tôi”.... Tại sao một bài hát đã qua hàng chục năm rồi vẫn “sống” và mỗi lần cất lên thì không chỉ người Nga mà cả người Việt vẫn thấy đắm say, cuốn hút, dạt dào cảm xúc.

Trong âm nhạc thì như thế, còn trong văn học, có nhiều tác phẩm nổi tiếng, “để đời” như “Sông Đông êm đềm” và “Đất vỡ hoang” (M.K. Solokhov), "Đội cận vệ thanh niên" (A. Fadeev), "Những người Xô Viết chúng ta" (B.Polevoi), "Daghestan của tôi" (R.Gamzatov), "Bến bờ" (I. Bondarev), "Trên mảnh đất người đời" (K.Ivanov), "Và nơi đây bình minh yên tĩnh" (Vaxiliev), "Bài ca núi Anpơ" (V. Bưkov), "Thép đã tôi thế đấy" của N. Ostrovski hay bài thơ bất hủ “Đợi anh về” (K. Ximonov)… Những tác phẩm văn học Xô Viết có tác dụng giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên Liên Xô và cả Việt Nam, trước đây cũng như bây giờ…

Trong điện ảnh, có những phim đã trở thành kinh điển, từng gắn bó với đời sống văn hóa-tinh thần của một thế hệ khán giả Liên Xô, Việt Nam ở nhiều thập niên trước như “Khi đàn sếu bay qua”, “Số phận một con người”, “Bài ca người lính”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Đất vỡ hoang”, “17 khoảnh khắc mùa Xuân”, “Giải phóng châu Âu”, “Người thứ 41”, “Bài ca khinh kỵ binh”, “Thời thơ ấu của Ivan”, “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc”, “Mát-xcơ-va không tin vào nước mắt”, “Sân ga cho hai người”....

Bây giờ, với lớp trẻ của chúng ta, nên khuyến khích các em tìm đọc những cuốn sách, nghe lại những bài hát, xem lại những bộ phim như thế, các em sẽ tìm thấy trong đó thế hệ thanh niên cách đây đã hàng chục năm rồi, thậm chí ngót trăm năm rồi, vẫn có những điểm giống các em, như đang cùng nhịp bước với các em, có nhiều phẩm chất mà các em đồng cảm, tin yêu, trân trọng. Các cơ quan tuyên giáo, báo chí, văn hóa, văn nghệ, xuất bản cần phải làm những điều đó, truyền lửa, truyền cảm hứng, khơi dậy những giá trị chân, thiện, mỹ trong các em.

Có thể nói, lý tưởng cao đẹp và những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga về độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn tỏa sáng, là nguồn động lực to lớn, nguồn cảm hứng cách mạng mạnh mẽ thôi thúc chúng ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa yêu dấu của chúng ta.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn