'Ông lớn' GELEX kinh doanh thế nào?

Đầu TưThứ Ba, 12/04/2022 11:24:00 +07:00
(VTC News) -

GELEX (mã GEX) vốn là doanh nghiệp Nhà nước, được biết đến là “ông trùm” mua bán và sáp nhập, từng thâu tóm nhiều thương hiệu lớn.

Tập đoàn GELEX được thành lập ngày 10/7/1990, chuyên về sản xuất công nghiệp thiết bị điện, vật liệu xây dựng, hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp…

Hết năm 2021, GELEX ghi nhận doanh thu 28.585 tỷ đồng, tăng 59%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.054 tỷ đồng, tăng 72% so với 2020 (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của GELEX).

Nợ phải trả của GELEX là 40.680 tỷ đồng, tăng 115% so với 18.937 tỷ đồng cuối năm 2020. Trong đó, phần vay nợ ngân hàng chiếm khoảng 50%, phần còn lại là các khoản phải trả khác, trong đó trên 6.600 tỷ đồng đến từ người mua trả trước và doanh thu chưa thực hiện.

Cuối 2021, tổng tài sản của GELEX đạt 61.182 tỷ đồng, tăng 125% so với đầu năm. Hệ số nợ và hệ số nợ vay trên tổng tài sản của GELEX năm 2021 lần lượt là 66% và 36%. 

Trên thương trường, GELEX được biết đến là “ông trùm” mua bán và sáp nhập, từng thâu tóm nhiều thương hiệu lớn.

Tháng 12/2015, Bộ Công Thương chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của GELEX (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ). Phiên thoái vốn Nhà nước này thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, khi cả trăm triệu cổ phiếu được thị trường mua nhanh chóng. Hàng loạt lệnh mua lớn với khối lượng nhiều triệu cổ phần được đặt liên tiếp, cho thấy các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị trước.

Theo giới phân tích, sự quan tâm của giới đầu tư đối với GEX không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh, lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thiết bị điện, mà còn là những tài sản mà công ty đang sở hữu. Tại thời điểm đó, GELEX đang sở hữu 65% cổ phần Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), 65,16% vốn tại Công ty Thiết bị điện (THIBIDI), 65,85% vốn tại Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), 51,25% vốn tại Công ty chế tạo Bơm Hải Dương và 100% vốn tại Công ty Thiết bị điện Việt Nam...

Thông tin công bố cũng cho biết, Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX do doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Hà Nam điều hành là cổ đông lớn nhất với gần 62 triệu cổ phiếu (hơn 23,1%), tiếp đó là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (5,04%), Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (4,36%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (3,09%).

Ngày 6/4/2021, Tập đoàn GELEX công bố hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% tại Tổng Công ty Viglacera (doanh nghiệp trước đây trực thuộc Bộ Xây dựng). GELEX đã đăng ký mua vào 22,5 triệu cổ phiếu VCG của Viglacera trong thời gian từ ngày 8/3 đến ngày 6/4 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Kết quả, hết đợt chào mua, GELEX đã mua thêm hơn 18,5 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty và người liên quan lên hơn 225,1 triệu cổ phiếu tương đương với 50,21% vốn điều lệ Viglacera.

Viglacera vốn nổi tiếng về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh và là nhà phát triển hạ tầng tên tuổi khu công nghiệp phía Bắc, với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp nằm ở các vị trí vàng như Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)…

Trên thị trường, cổ phiếu GEX giảm trong những phiên gần đây. Chốt phiên gia dịch cuối tuần trước, mã GEX của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đứng mức 34.050 đồng/cổ phiếu, giảm sàn 6,97%, tương đương mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 2.550 đồng. Với hơn 851 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của GELEX bị “thổi bay” hơn 2.100 tỷ đồng. Đây là phiên lao dốc thứ 4 liên tiếp của GEX, khiến giá mỗi cổ phiếu giảm 16,5% tương đương mất 6.800 đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn