• Zalo

Bóng dáng ‘gã thợ săn’ doanh nghiệp có vốn nhà nước trước thềm Bộ xây dựng thoái vốn Viglacera

Kinh tếThứ Tư, 13/03/2019 13:01:00 +07:00Google News

Với vị thế đầu ngành cùng tài sản có chất lượng, Viglacera có thể sẽ là miếng mồi ngon tiếp theo của "gã thợ săn" Gelex.

Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex vừa mua vào 27 triệu cổ phiếu Viglacera (VGC) trong phiên 26/2 để nắm giữ hơn 6% vốn VGC.

Thiết bị điện Gelex là công ty con thuộc sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Sau giao dịch này, nhóm Gelex nắm giữ tổng cộng gần 44 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,8% cổ phần Viglacera.

Đáng chú ý, tổng lượng sở hữu VGC của nhóm Gelex đúng bằng lượng cổ phiếu mà nhóm quỹ Dragon Capital đã bán thỏa thuận trong 2 phiên giao dịch 26-27/2 với giá 20.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 887 tỷ đồng. Như vậy, rất có khả năng Gelex đã thỏa thuận mua với chính Dragon Capital.

gelex-gex

 Gelex thoát xác trở thành "thợ săn" doanh nghiệp có vốn nhà nước sau khi cổ phần hoá cuối 2015

Cách đây không lâu, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thoái vốn giai đoạn 1 với số lượng gần 80,6 triệu cổ phần, tương ứng 17,97% vốn điều lệ của VGC. Phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện đấu giá công khai trên Sàn Giao dịch Chứng khoán.

Giá khởi điểm đấu giá không thấp hơn 23.000 đồng/cổ phiếu kèm với giá tham chiếu của mã cổ phiếu VGC bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

Theo mức giá khởi điểm trên trên, Bộ Xây dựng dự kiến thu về khoảng 1.853 tỷ đồng và vẫn còn giữ 36% vốn điều lệ Viglacera. Tỷ lệ này đủ để Bộ xây dựng nắm quyền phủ quyết tại VGC. Tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thoái toàn bộ cổ phần còn lại ngay trong năm 2019. 

Với sự xuất hiện của Gelex – doanh nghiệp chuyên đi thâu tóm các công ty có vốn nhà nước cổ phần hoá, sẽ không bất ngờ nếu Gelex đăng ký mua cổ phần Viglacera trong đợt thoái vốn tới đây. 

Từ cuối năm 2015, sau khi Bộ Công Thương thoái hết vốn khỏi Gelex, công ty này đã bắt đầu “chiến dịch thâu tóm” doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (Cadivi; Mã CK: CAV) chính là cái tên đầu tiên trong quá trình thâu tóm. Hiện Gelex đã nắm giữ 94% cổ phần tại Cadivi. Đồng thời, Gelex cũng đã được phép nâng sở hữu lên 100% và sẽ sớm hủy niêm yết trên HOSE.

Sau Cadivi, Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans; MCK: STG) và Công ty CP Thiết bị điện (Thibidi; mã CK: THI), Sowatco (SWC) hay Thiết bị điện Đông Anh (TBD). hiện cũng đang là công ty con do Gelex nắm cổ phần chi phối.  Ngoài ra, Gelex cũng đang nắm cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp khác như Chế tạo Cơ điện Hà Nội (HEM – 65,88%) và Dây đồng Việt Nam (CFT – 36,35%), Thiết bị điện Đông Anh (TBD),…

Với Viglacera, doanh nghiệp không chỉ được xem là hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm kính, gạch men, thiết bị vệ sinh mà còn sở hữu quỹ đất lớn tại các khu công nghiệp lên tới hàng nghìn ha cùng những bất động sản có giá trị có thể là miếng mồi ngon tiếp theo với "gã thợ săn" Gelex.

Gần đây, lực lượng mua gom cổ phiếu VGC trên thị trường chứng khoán cũng rõ rệt hơn. Phiên giao dịch ngày 12/3, cổ phiếu VGC trên thị trường tiếp tục tăng 2,3% lên mức 21.800 đồng/cp, nâng tổng mức tăng từ đầu năm 2019 lên hơn 22%. 

Hoàng Trung
Bình luận
vtcnews.vn