Ẩn mình trên đỉnh Thất Sơn
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đúng là nhiều chuyện lạ thường. Chả hiểu cấu tạo địa chất thế nào mà giữa những cánh đồng chim bay mỏi cánh ở đây lại “mọc” lên mấy chục ngọn núi, trong đó, ấn tượng nhất là vùng 7 núi, còn gọi là dãy Thất Sơn. Trong đó, núi Cấm, còn gọi là Thiên Cẩm Sơn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang là ngọn núi cao nhất, cũng là nơi ẩn chứa nhiều chuyện dị thường.
Chỉ riêng cái tên núi Cấm đã có nhiều giai thoại gắn với chuyện Nguyễn Ánh (vua Gia Long) khi bị quân Tây Sơn truy nã đã trú ẩn ở đây, trước khi trốn ra đảo Phú Quốc. Một số cấm vệ quân sau đó ở lại đã lập ra môn phái võ Thất Sơn nổi tiếng, còn lưu truyền đến ngày nay.
Đến thời chống Pháp, núi Cấm trở thành nơi các nghĩa quân, chí sĩ yêu nước thất bại trong các cuộc khởi nghĩa lui về đây ở ẩn, tu hành. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến Cao Văn Do (Bảy Do) là cháu ruột của Thủ Khoa Huân, người lập nên chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm ngày nay. Mấy chục năm gần đây, núi Cấm ngày càng trở nên huyền bí. Nhiều người vẫn tin rằng, trong số những đạo sỹ ở ẩn, tu hành ở đây có những “đại ca” khét tiếng giang hồ đã “rửa tay gác kiếm”…
Nhưng câu chuyện về cụ Ba Lưới, người đã bỏ nhà lên núi một mình từ năm 18 tuổi, và từng có 15 năm lập am tu trên đỉnh núi mới thực sự ly kỳ.
Cụ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở Chợ Mới (An Giang). Là người tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương với triết lý đơn giản: “Làm thiện thì là tiên, là phật, làm ác thì là quỷ, là ma”. Suốt mấy chục năm qua, cụ Ba Lưới vẫn tuân thủ giáo lý “dễ tu, dễ thành” ấy, để rồi trở thành vị cao niên, đắc đạo đầy uy tín. Cho đến nay, cụ Ba Lưới đã nhiều chục năm được bầu chức Trưởng Ban quản lí chùa Phật Lớn - ngôi chùa có gần 200 năm tuổi, một điểm du lịch nổi tiếng trên đỉnh dãy Thất Sơn…
Trời đã về chiều, ráng trời óng vàng khiến dãy núi như hai thế giới hư và thực. Một bên ánh sáng rực rỡ, một bên bóng núi thẫm đen bí ẩn. Tiếng động cơ từ chiếc Honda “xoáy nòng” của người lái “xe ôm” rền vang, đập vào núi rồi vọng lại khiến cho những triền núi bốn bề cây cối um tùm, u tịch càng nhuốm màu liêu trai…
Khu nhà của cụ Ba Lưới biệt lập ở một khu vực rất cao. Ở phía dưới là mấy cái nhà của các con, cháu, trên cao là chiếc nhà sàn, mà mấy người con của cụ gọi vui là “Tuyệt Tình cốc”.
Đón tôi ở cửa “Tuyệt Tình cốc” là một bà lão khoẻ mạnh, có ánh mắt sáng và thân thiện. Đó là vợ của cụ Ba Lưới. Bà tên là Nguyễn Thị Hoa, 75 tuổi và là vợ thứ hai của cụ Ba Lưới. Năm 1975, sau khi hoà bình lập lại, bà Hoa kết duyên cùng ông Ba Lưới. Dù cả hai đều là “rổ rá cạp lại” nhưng đến nay, “Tuyệt Tình cốc” vẫn là nơi vừa để tu đạo, vừa hành nghề bốc thuốc cứu người, vui thú cùng con cháu…
Hai lần đánh nhau với mãng xà
Nghe tiếng người lạ, cụ Ba Lưới từ nhà trong đi ra hỏi… “Bị bệnh gì?”. Hoá ra cụ tưởng tôi đến nghe bệnh, bốc thuốc. Bà Hoa cho biết, cụ nắm giữ những “bí kíp” có thể chữa lành nhiều loại bệnh mà bệnh viện đã trả về, chờ chết. Khi biết tôi từ Hà Nội vào với ý định tìm hiểu về cuộc đánh nhau với rắn hổ mây khổng lồ năm xưa, cụ Ba Lưới cười, mắt sáng lên đầy niềm vui.
Vị đạo sỹ già râu tóc trắng như tiên kể: Hồi ấy, cuộc sống ở vùng núi Cấm rất khổ cực. Muốn tồn tại được phải giỏi võ nghệ vì luôn phải chống chọi với thú dữ như hổ, báo, lợn rừng, rắn độc… Trong số ấy, đáng sợ nhất là loài rắn hổ mây, loài mãng xà được mệnh danh là “tổ sư của các loài rắn độc”.
Năm nay đã 100 tuổi, nhưng vị đạo sĩ vẫn rất minh mẫn, dù sức khoẻ cũng đã kém đi nhiều, nhưng khi nhắc đến chuyện đánh nhau với mãng xà, cụ Ba Lưới phấn chấn hẳn lên: “Hồi ấy máy bay Mỹ bắn phá nhiều, nên phải đi rất sớm để tránh bị phát hiện. Lúc ấy khoảng 6h sáng, vừa đến chân núi thì tôi gặp rắn hổ mây. Con rắn dài mười mấy thước, nặng khoảng 60-70kg nằm chắn ngay lối đi.
Tôi lấy hòn đá chọi một nhát, với mong muốn nó… nhường đường. Nào ngờ, nó ngóc đầu thở khè khè, cặp mắt đỏ rực trừng trừng, phùng mang chờ chực tấn công. Vừa kịp bỏ gùi gạo xuống thì nó đã quấn đuôi vào cành cây rồi bổ đầu xuống, định quấn vào cổ tôi. May là tôi giỏi võ, né kịp được cú bổ trời giáng và vung cái ngoéo bằng sắt đánh thẳng vào cổ rắn…”.
Ngừng một lát, vị đạo sỹ bảo, lúc ấy giữa sống và chết nên “đánh hăng lắm, nhưng sau một hồi lâu, lúc hạ được con hổ mây chúa rồi mới thấy mồ hôi vã ra đầm đìa, không thể tin là mình sống sót trước sự tấn công của con mãng xà khổng lồ ấy…”.
Sau lần ấy, đạo sỹ Ba Lưới còn một lần bị con rắn hổ mây nặng khoảng hơn chục ki lô gam tấn công. Nhưng một lần nữa vị đạo sỹ đã dùng võ nghệ đánh lại, dùng dao chém đứt đầu con rắn chúa. Việc hai lần đánh thắng, giết được rắn hổ mây chúa khiến vị đạo sỹ nổi danh khắp vùng.
Cho dù câu chuyện cụ Ba Lưới cũng khó lòng kiểm chứng được, nhưng việc vùng núi Cấm xuất hiện rắn hổ mây, thậm chí được coi là “lãnh địa” của rắn hổ mây là có thật. Có điều, “rắn hổ mây lớn có lẽ đã rút vào hang sâu, giờ chỉ còn những con nhỏ thôi” - cụ Ba Lưới cho rằng, chính nhu cầu thưởng thức các món ăn từ rắn cực độc, như uống máu, nuốt mật rắn để trị bệnh ung thư, hay để “cải lão hoàn đồng”, “bổ thận cường dương”, sung mãn hơn người khiến rắn hổ mây bị săn lùng, truy sát không còn đất sống.
Theo ANTĐ
Bình luận