Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lần đầu tiên thực hiện chuyến công du ra nước ngoài. Điểm đến trong chuyến đi đầu tiên của ông Biden là châu Âu. Ông đến châu Âu bởi ở đây có rất nhiều đồng minh của Mỹ. Việc cùng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực lấy lại vị thế nước Mỹ, tập hợp liên minh đối đầu với các thách thức, trong đó có cả Nga và Trung Quốc.
Củng cố liên minh
Theo lịch trình, ông chủ Nhà Trắng sẽ dừng chân ở Anh. Tại đây, ông sẽ dự hội nghị thượng đỉnh G7, sau đó sẽ có cuộc hội đàm với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và cuối cùng mới gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thuỵ Sĩ hôm 16/6.
Nhìn vào lịch trình tại châu Âu của vị Tổng thống Mỹ thứ 46 có thể thấy dường như chính quyền Mỹ đã sắp đặt rất chi tiết, có tính toán về thời gian, lịch trình các cuộc gặp của ông Biden. Theo đó, ông Biden sẽ thảo luận với các đồng minh NATO, EU về quan điểm, sách lược chung trước khi gặp lãnh đạo Nga.
Điều này hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu “Nước Mỹ đã trở lại” và chủ trương khôi phục lại quan hệ nồng ấm với các đồng minh vốn đã rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump dường như đã tự cô lập nước Mỹ, xa cách các đồng minh, khiến cho quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương luôn ở trong trạng thái “lạnh nhạt”.
Chuyến đi này được xem là bài kiểm tra, hành trình “dò đường” của ông Biden để “Đưa nước Mỹ trở lại” với vai trò, vị thế của mình. Nhiệm vụ giờ đây của ông Biden là thuyết phục các nước G7, NATO và EU rằng Mỹ là đối tác đáng tin cậy trên trường thế giới, các đồng minh của Washington có thể tin tưởng.
Để đạt được điều đó, Tổng thống Biden phải tìm cách để chứng minh cho các đồng minh thấy rằng, chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã là dĩ vãng. Điều này phần nào đã được thực thi thời gian qua khi chính quyền Biden gạt bỏ nhiều chính sách dưới thời Trump, tham gia gắn kết hơn với thế giới qua việc quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiệp định về biến đối khí hậu…
Bên cạnh đó, ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ cao cả là thuyết phục các quốc gia khác rằng nền dân chủ của Mỹ là ổn định, và sẽ không bị ảnh hưởng sau khi thời gian tại vị của Biden kết thúc.
Trước khi đến châu Âu, ông Biden nói: "Liệu các liên minh và thể chế dân chủ đã định hình rất nhiều từ thế kỷ trước có chứng minh được năng lực trước các mối đe dọa và kẻ thù thời hiện đại không? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này, tại châu Âu, chúng tôi có cơ hội chứng minh điều đó". Đó chính là thông điệp trước chuyên đi của ông Biden, lời cam kết với các đồng minh, đối tác rằng “Nước Mỹ đã trở lại”.
Tìm cách đối phó Nga, Trung
Trong cách chỉ dẫn chính sách đối ngoại cũng như phát biểu từ lãnh đạo trong chính quyền Biden, Mỹ cho thấy lập trường, quan điểm rất rõ ràng trong chính đối với các quốc gia được Mỹ coi là “kẻ thù” như Nga và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.
Để đối chọi với sức mạnh quân sự ngày càng hùng mạnh của Nga, trong khi ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Trung Quốc không ngừng gia tăng, Mỹ không thể “chơi một mình” mà cần có sự tham gia, của các đồng minh, đối tác.
Sự kiện lớn nhất trong chương trình nghị sự của Biden là mặt đối mặt của ông tại Geneva với Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, không quá trông chờ vào cuộc gặp lần này sẽ tạo đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga. Bởi đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước sau khi ông Biden lên nắm quyền, trong khi mâu thuẫn giữa Washington – Matxcơva mang tính hệ thống, khó có thể giải quyết “một sớm, một chiều”.
Cả Mỹ và Nga đều lên tiếng, không quá kỳ vọng vào việc “cài đặt lại quan hệ” giữa Washington - Matxcơva sau cuộc gặp lần này. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, điều quan trọng của cuộc gặp là việc các nhà lãnh đạo sẽ có thể trao đổi quan điểm về các vấn đề mà hai bên quan tâm.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng, Mỹ không nhìn nhận “cuộc gặp với Tổng thống Nga là phần thưởng”, mà chỉ coi đó là “một phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích và các giá trị của nước Mỹ”.
Tuy nhiên, sự kiện này được xem là cơ hội để hai bên trình bày quan điểm của mình trong các vấn đề mà hai bên quan tâm, liên tục xung đột về lợi ích trong thời gian qua như tấn công mạng, can thiệp bầu cử, Ukraine, Belarus…. Từ đó, phần nào có sự hiểu biết chung, bước dạo đầu cho mối quan hệ Mỹ - Nga trong những năm tới dưới thời ông Biden.
Cuộc gặp này chắc chắn sẽ là sự kiện thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Dư luận muốn xem cách Tổng thống Biden gửi thông đến Nga, liệu có khác với những gì trước đây ông Trump từng làm hay không.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc gặp của ông Biden với các đồng minh và đối tác châu Âu. Ông chủ Nhà Trắng muốn có cách tiếp cận chung để đối phó với hành vi gây hấn về quân sự, thách thức về kinh tế trong thời gian qua của Bắc Kinh.
Ông Biden coi đe dọa từ Trung Quốc là một thách thức lớn về an ninh quốc gia trong dài hạn. Do đó, Mỹ sẽ phải tìm cách kêu gọi các đồng minh cùng liên kết, gây áp lực với Bắc Kinh về mọi mặt.
Theo dự kiến, nhóm G7 sẽ công bố một sáng kiến tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Sáng kiến này được kỳ vọng là có thể đóng vai trò là đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hơn nữa, các thành viên NATO cũng có thể thảo luận về cách kiềm chế sự xâm lược trên biển của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia cho rằng, chuyến đi của ông Biden đến châu Âu là cơ hội để các nhà lãnh đạo tìm thấy điểm chung về Trung Quốc, đặc biệt là trong các vấn đề tăng cường chuỗi cung ứng và chấm dứt sự phụ thuộc vào hàng hóa Bắc Kinh, cũng như đẩy lùi các hành vi vi phạm nhân quyền và thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á dưới thời cựu Tổng thống Trump, cho biết: “Điều quan trọng là ông Biden phải tập hợp sự ủng hộ từ các quốc gia này về một cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc. Ông Biden sẽ cần phải xoa dịu những lo ngại của châu Âu, tìm cách tiếp cận chung nhằm đối phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra”.
Bình luận