Mỗi tỉnh ở Cuba đều có một câu lạc bộ xe hơi cổ. Đây là nơi tụ họp của những chiếc xe không những cổ nhất mà còn phải nguyên vẹn nhất như từ khi xuất xưởng. Hiện nay, những câu lạc bộ này đang lưu giữ một lượng lớn xe hơi cổ mà không nước nào trên thế giới có, tiêu biểu như chiếc Cadillac năm 1905 được mệnh danh là “báu vật quốc gia”.
Hiện nay, hầu như tất cả các xe hơi đang hoạt động ở Cuba đều được sản xuất bởi Mỹ từ những năm 30, 40, 50 của thế kỷ trước; xe của Liên Xô (cũ) chiếm khoảng 30%, còn lại số ít là xe hiện đại bây giờ.
Xe cổ muốn sửa phải xin phép
Những câu lạc bộ này được quản lý bởi Văn phòng Sử học thành phố La Habana. Văn phòng này có quyền cho phép sửa chữa, thay thế những chiếc xe cổ hay không. Và việc buôn bán là hoàn toàn không tồn tại.
Câu lạc bộ xe cổ hiện đang quản lý 431 chiếc xe (số liệu năm 2008). Sáng Chủ nhật, câu lạc bộ tổ chức diễu hành xe cổ ở La Habana. Những ai tham gia câu lạc bộ này phải tuân thủ một nguyên tắc là muốn sửa chữa, thay thế bất cứ một loại phụ tùng gì cũng phải xin giấy phép và chỉ được thực hiện khi được đồng ý.
Là xe cổ nên việc sửa chữa, thay thế phụ tùng gặp nhiều khó khăn, bởi vì bây giờ chẳng có nơi nào còn sản xuất những loại xe như thế, cho nên muốn thay một bộ phận cho xe là cả một quá trình dài và tốn nhiều công sức.
Một điều rất thú vị ở Cuba, đó là bất cứ ai có xe đều trở thành thợ. Đối với người dân Cuba, chiếc xe ôtô là cả một tài sản lớn, họ dành rất nhiều công sức tiền của vào chiếc xe.
Có nhiều xe ở Cuba nhìn bên ngoài thì là xe cổ nhưng máy bên trong lại là của xe hơi hiện đại như Hyundai, Mitsubishi, Toyota… Và ai cũng cố lắp máy chạy dầu vì tiết kiệm hơn và cũng… dễ mua lậu ở ngoài hơn.
Tuy là chắp vá như thế nhưng một chiếc xe sản xuất ở Mỹ những năm 1950 không bao giờ có giá dưới 5.000 USD; còn các dòng xe của Nga thì đắt hơn một chút, từ 7.000 USD trở lên. Và gần như gia đình nào ở Cuba cũng có ôtô.
Hết giờ làm công chức, đi lái taxi
Xe ôtô ở Cuba, không những là phương tiện để đi lại mà trong nhiều hoàn cảnh, nó lại trở thành nguồn thu chính của một gia đình. Nhiều người có xe cho thuê chạy liên tỉnh với giá 40-60USD/ngày, như vậy một tháng họ có thể thu về gần 2.000USD, một số tiền không hề nhỏ với đại đa số người dân Cuba. Ngoài ra, nhiều người còn tranh thủ buổi tối làm tài xế taxi.
Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên rất nhiều người có học vị cao, làm việc tại các trường đại học, bệnh viện lớn vẫn đi lái taxi vào buổi tối. Công việc này đem lại một khoản thu nhập không hề nhỏ, thậm chí hơn nhiều lần so với đồng lương nhà nước trả cho họ.
Bất cứ ai từng học tập ở Cuba chắc chắn không bao giờ quên cảnh đi xe khách, người thì chê bai, nhưng cũng có người coi đó như một trải nghiệm thú vị trong đời.
Ở Cuba có hai loại phương tiện công cộng chính, đó là xe bus và xe khách. Xe khách chủ yếu là của tư nhân, trong hai năm gần đây nhà nước bắt đầu có những biện pháp để quản lý số xe này, tránh việc ép giá và đảm bảo an toàn cho người đi xe.
Xe bus liên tỉnh ở Cuba thì chủ yếu là do Trung Quốc bán rẻ cho, đa số là những xe đã qua sử dụng được sửa sang lại. Để lấy được vé xe bus, phải ghi tên vào list trước khoảng 2 tuần, nhiều khi có tên nhưng đến ngày đi lại không mua được vé.
Do đó, nhiều người đã chọn giải pháp mua lậu ở ngoài hoặc đi xe khách, tốn tiền hơn một chút nhưng được việc. Tất nhiên, ai cũng cố gắng đi xe bus vì thoải mái hơn.
Còn xe bus trong thành phố ở Cuba thì có nhiều loại. Người dân Cuba đi xe bus rất nhiều, cũng có cảnh chen chúc trên xe, nhưng ở bến thì không chen lấn xô đẩy. Ở các thành phố lớn, có xe bus lạc đà, đây là một loại xe chế, có thể chứa được vài trăm người. Nó có tên là xe lạc đà bởi vì ở giữa xe là một ống cao su nhô hẳn lên như cái u của con lạc đà.
Đi xe khách tư nhân có cái lợi là nhanh, tài xế sẵn sàng đưa khách đến tận cửa nhà. Nhưng lại không thoải mái, thứ nhất vì không phải xe nào cũng có điều hòa, một chiếc xe cũ kỹ đáng ra chỉ ngồi được 4 người thì tài xế luôn nhồi thêm thành 6 người. Nếu hành khách đều là người gầy thì còn thoải mái, chứ gặp ai to béo ục ịch thì… đúng là một cực hình.
Một nét chung mà Cuba và các nước châu Mỹ Latinh đều có, đó là tài xế lái xe luôn mở toang hết cửa sổ và bật nhạc thật to. Nhiều sinh viên nước ngoài lúc đầu không quen nhưng đi mãi thành thích, không thấy có nhạc là lại nhớ. Nhiều xe ôtô ở bên trong lại được “chế” như một sàn nhảy với đủ các thứ đèn và màn hình…
Ở Cuba không bao giờ có tắc xe, không có kiểu phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách và nhiều trò như ở Việt Nam. Có được điều này là do ý thức của người dân Cuba khi tham gia giao thông.
Người dân Cuba chấp hành luật giao thông một cách nghiêm chỉnh, cảnh sát giao thông ở Cuba chủ yếu làm việc kiểm tra các xe có nghi vấn, chứ không bao giờ phải tuýt còi dừng xe vì chạy quá tốc độ. Mà cũng không có trò hối lộ cảnh sát, nếu phạm lỗi, bạn sẽ nhận được một phiếu nộp phạt và phải đến đồn công an gần nhất để trả tiền. Nặng hơn thì bị bấm lỗ bằng lái.
Cảnh sát giao thông ở Cuba rất nghiêm và Cục Cảnh sát Giao thông của Bộ Nội vụ Cuba có cách quản lý cảnh sát, chống tiêu cực rất hay. Ấy là, khi cảnh sát ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe nào, thì việc đầu tiên là phải gọi bộ đàm về trung tâm và thông báo rằng “Tôi... đã dừng chiếc xe mang biển... lái xe tên là...”.
Tại trung tâm, sĩ quan trực sẽ thông báo ngay cho người cảnh sát về lý lịch chiếc xe và người lái xe. Rồi người cảnh sát phải nêu ngay lý do vì sao ra lệnh dừng xe và đã xử phạt thế nào.
Cũng phải kể đến việc quy hoạch của Cuba, tất cả các thành phố của Cuba đều được xây theo hinh bàn cờ rất rộng rãi, tạo thuận lợi khi di chuyển cho người tham gia giao thông, tránh gây ách tắc. Ở ngay giữa thủ đô La Habana, có đường lớn chạy từ đầu này tới đầu kia của thành phố và khi đi trên đường này, xe ôtô phải chạy từ 60 đến 100km/h.
Văn hóa... xin đi nhờ xe hiếm thấy
Người dân Cuba có một thói quen rất hay, đó là xin đi nhờ xe. Bạn có thể dừng ở bất cứ chỗ nào có đông phương tiện qua lại, thường thì là chỗ dừng đèn đỏ và xin đi quá giang một đoạn. Sẽ không ai đòi tiền, nếu tiện thì họ sẽ mở cửa và đưa bạn đi ngay. Đa số người xin đi nhờ là sinh viên tỉnh khác hay những người đi làm nhưng không có phương tiện.
Thật ra, chuyện xin đi nhờ xe này là cũng mới có từ những năm 1990. Khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, nguồn xăng dầu cấp cho Cuba hầu như không còn, khó khăn bộn bề chồng chất… Trước tình cảnh ấy, Chính phủ Cuba ra lệnh tất cả các lái xe - đặc biệt là lái xe công - phải có trách nhiệm cho người khác đi nhờ xe trên cùng tuyến đường. Thậm chí, cảnh sát giao thông còn “phục kích”, bắt những lái xe nào cố tình từ chối người xin đi nhờ. Lâu dần, việc xin đi nhờ xe đã trở thành một nét văn hóa giao thông mà chẳng quốc gia nào trên thế giới có.
Video: Độc đáo công nghệ câu cá bằng... bao cao su ở Cuba
Hiện nay, không những chỉ người dân Cuba đã có thể mua bán tự do xe hơi, xe máy mà còn cả người nước ngoài đang sống, tức là có giấy phép cư trú và người nước ngoài đang làm việc ở Cuba. Tuy nhiên, với giá cả hiện nay thì có nhiều người sẽ không mua được chiếc xe mong muốn.
Ví dụ như tại một showroom của nhà nước chuyên bán xe Peugeot ở thủ đô La Habana bán một chiếc xe Peugeot Expert Tepee năm 2013 là hơn 220.000 USD. Trong khi đó ở châu Âu, chiếc xe này được bán với giá 20.000 Euro.
Việc mở cửa thị trường mua bán xe tư nhân là một bước đi lớn của Chính phủ Cuba nhằm phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ hội cho tư nhân làm chủ. Tuy nhiên hiện nay mới là bước thử nghiệm, chỉ một vài nơi được mở cửa hàng tư nhân. Một phần tiền thu được từ việc bán xe sẽ được dùng để phát triển phương tiện giao thông công cộng.
Hiện nay, Cuba đang rơi vào khủng hoảng năng lượng trầm trọng, nguyên nhân của việc này là bất ổn về chính trị và kinh tế của Venezuela, đồng minh trung thành của Cuba. Theo hiệp định hợp tác và trao đổi giữa hai bên thì hàng ngày Venezuela sẽ cung cấp cho Cuba 120.000 thùng dầu, đổi lại Cuba sẽ gửi bác sĩ, giáo viên và kỹ sư.
Vừa qua, chính phủ Cuba đã phải thực hiện biện pháp thắt chặt việc tiêu thụ năng lượng ở cả nước; cắt giảm điện theo thứ tự ở các khu vực dân cư, nhà máy, xí nghiệp và vừa rồi đã ra sắc lệnh chỉ có xe hơi du lịch mới được phép mua xăng A95.
Những vấn đề trên có thể sẽ dẫn đến việc thay thế dần dần tới hoàn toàn tất cả số lượng xe đã quá cũ bởi mức tiêu thụ xăng, dầu quá nhiều. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân bởi nguồn ngân sách Cuba thực ra rất hạn hẹp không đủ khả năng nhập một số lượng xe lớn như vậy.
Hy vọng mở cửa đối với Cuba trong lúc này đang thực sự khó khăn bởi chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy, chính phủ Cuba sẽ định hướng thế nào trong thời gian tới đây? Khi mà diễn biến kinh tế và chính trị trên thế giới và khu vực châu Mỹ Latinh ngày càng xấu đi?
Video: Ông chủ Chelsea với thú vui chơi xe
Bình luận