Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 12 cả nước nhập khẩu 7.048 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 192 triệu USD. Trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 991 chiếc, xe tải 4.850 xe, xe trên 9 chỗ ngồi chỉ có 19 chiếc.
Lượng xe nhập khẩu bất ngờ tăng đột biến so với nửa cuối tháng 11, vượt 4.117 chiếc. Thậm chí, số lượng xe 15 ngày đầu tháng 12 này còn vượt cả tháng 11 (6.427 chiếc).
Đáng chú ý, lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 12 còn lớn hơn tổng số lượng xe này nhập khẩu trong nhiều tháng liền kề trước đó như tháng 11 chỉ có 592 xe; tháng 10 là 878 xe; tháng 9 là 908 xe…
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 90.611 xe, tổng trị giá kim ngạch gần 2,1 tỷ USD. Trong đó, xe dưới 9 chỗ ngồi là 35.977 chiếc, xe tải 41.845 chiếc, xe trên 9 chỗ ngồi là 604 chiếc.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2016, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vẫn giảm mạnh cả về lượng và trị giá với các con số lần lượt là giảm 16.684 xe, kim ngạch giảm 196 triệu USD.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập khẩu tăng đột biến nửa đầu tháng 12 chủ yếu là để “chạy” Nghị định 116 của Chính Phủ, gom hàng bán trong dịp Tết và quý I/2018.
Theo ông Tưởng, với những quy định tại Nghị định 116, ít nhất quý I/2018 xe nhập khẩu rất khó về Việt Nam vì chưa thể xin được các loại giấy phép theo quy định.
Theo Nghị định 116, để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như:
Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Trên thực tế, việc Chính phủ ban hành Nghị định 116 đã gây bất ngờ cho các hãng xe khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa kịp trở tay đối phó. Kết quả dẫn đến nhiều mẫu ô tô nhập khẩu bị lỡ hẹn về Việt Nam gây ra tình trạng khan hàng, cháy hàng trên diện rộng. Cụ thể là mẫu Toyota Fortuner và Honda CR-V 7 chỗ.
Video: Đánh giá Toyota Camry 2017
Vào tuần trước, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lần thứ 4 trong vòng hai tháng gửi thư kiến nghị lên Chính phủ để nhấn mạnh việc cần điều chỉnh Nghị định 116 về kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô. Lần này, các hãng muốn hoãn thi hành Nghị định 116 thêm 6 tháng so với thời điểm hiện quy định là 1/1/2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới.
Mặc dù lượng xe nhập khẩu có xu hướng tăng vào cuối năm, song vân không thể cứu vẫn được 1 năm kinh doanh ảm đạm của ngành ô tô trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 11/2017 đạt 24.752 xe, bao gồm 12.774 xe du lịch; 10.513 xethương mại và 1.465 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch tăng 6%; xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng tăng 65% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Doanh số toàn thị trường Việt Nam trong năm 2017 có dấu hiệu đi xuống do tâm lý chờ đợi giảm giá xe của người tiêu dùng. Tính tới hết tháng 11/2017, doanh số toàn thị trường đạt 226.661 chiếc, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận