Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10, một số dòng ô tô từ Nga đã được nhập về Việt Nam theo diện miễn thuế để thăm dò thị trường. Những thương hiệu UZA, Kamaz, Volga, Lada quen thuộc một thời thu hút rất nhiều sự tò mò của khách hàng.
Băn khoăn về kiểu dáng, công nghệ
Ông Huỳnh Hữu Phúc (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), tài xế chuyên chạy xe khách cho một công ty dịch vụ vận tải, đang có ý định mua vài chiếc xe để ra làm ăn riêng nên khi nghe xe Nga vào Việt Nam với giá rẻ, ông khá tò mò và mong muốn xe Nga có mặt sớm tại Việt Nam bởi dù sao xe giá mềm, chất lượng tốt vẫn là một chọn lựa thú vị.
“Điều tôi quan tâm nhất là chất lượng bảo trì, bảo hành, hậu mãi sau khi bán cho người tiêu dùng như thế nào. Nếu là xe mới nhập khẩu mà các công đoạn bảo hành, bảo trì quá nhiêu khê thì rất dễ làm người tiêu dùng nản” - ông Phúc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền - chủ Salon Auto trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, TP HCM - cho rằng người tiêu dùng Việt Nam thường ưa chuộng những thương hiệu quen thuộc.
Tuy nhiên, nếu xe Nga giá “mềm” từ 500 triệu đồng trở xuống mà có nhiều ưu thế hơn như tiết kiệm xăng, mẫu mã đẹp, nhiều tính năng vượt trội… cũng có thể thu hút được người mua nhưng sẽ khó trở thành trào lưu hay một dòng xe được người tiêu dùng ưa chuộng như của Mercedes, Toyota, Honda, Kia…
Theo bà Hiền, các dòng xe của Nga thường có gầm cao, phù hợp đường núi, dốc hoặc gồ ghề… hơn đi trong thành phố. Vì thế, dòng xe này có thể sẽ được các khách hàng ở vùng cao hay nông thôn ưa chuộng.
Nhiều nhân viên kinh doanh tại các salon ô tô cũng nhận định nhu cầu mua ô tô Nga, đặc biệt là xe cá nhân, xe con chỉ ở bộ phận những người đã có xe rồi, muốn mua thêm để sưu tầm, đi đường xa, đường núi hoặc thể hiện phong cách. Xe này không phù hợp với người chỉ có điều kiện mua một chiếc xe tích hợp tất cả các nhu cầu.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) phân phối xe Autok tại Hà Nội cho biết do chưa thể nói trước được điều gì về giá cả xe nhập của Nga nên chưa đánh giá được mức tiếp cận của thị trường. “Nhưng có thể yên tâm là ô tô Nga sẽ có giá riêng và rẻ do được ưu đãi thuế lớn.
Người tiêu dùng có thể bị thu hút bởi giá rẻ, tính chất bền bỉ của xe từ quốc gia này nhưng kiểu dáng, công nghệ, nhu cầu… chắc chắn sẽ được đặt ra để cân nhắc” - vị này nói.
Không ưu tiên nhập ô tô con
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, cho biết trong các dòng ô tô Nga được nhập khẩu vào Việt Nam thì có xe địa hình (SUV), xe tải 10 chỗ trở lên, xe vận tải cỡ lớn và xe buýt.
Lượng hạn ngạch cho tất cả liên doanh thành lập theo Nghị định thư đối với phương tiện vận tải có động cơ năm 2016 là 800 chiếc, tăng dần đến năm 2017 là 850 chiếc và năm 2018 là 900 chiếc sẽ được hưởng thuế suất 0%. Ngoài ra, Việt Nam còn cấp hạn ngạch cho phép các liên doanh nhập khẩu 13.500 linh kiện xe với thuế suất 0% trong 5 năm.
“Điều này đồng nghĩa các dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi sẽ chỉ tập trung vào xe địa hình, xe thể thao vốn phù hợp đi đường rừng. Còn đối với ô tô con sẽ không phải là dòng xe ưu tiên được nhập. Tuy nhiên, để nhập được xe, các DN phải thành lập liên doanh ở Việt Nam, đạt được tỉ lệ nội địa hóa nhất định và chỉ nhập trong hạn ngạch” - ông Hải nêu.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nghị định thư nói trên có hiệu lực sẽ không tác động lớn đến thị trường tiêu dùng bình thường bởi phân khúc ưu đãi chủ yếu là xe tải cỡ lớn dùng cho các mỏ khai thác. “Giá xe tải rẻ hơn, chế độ bảo dưỡng tốt hơn do liên doanh trực tiếp sản xuất thì rất hy vọng có thể thay thế được một số xe tải Trung Quốc, xe tải Hàn Quốc cũ đang sử dụng ở Việt Nam” - vị này nhận định.
Theo DN phân phối xe Autok tại Hà Nội, dòng xe tải của Nga như Patriot được thiết kế 2 bình xăng, 2 chế độ lái, 2 cầu… có thể hiểu là công suất sẽ gấp đôi xe khác, khi hỏng một thiết bị nào đó sẽ không lo bị dừng giữa đường do được bổ trợ từ hệ thống thiết kế đôi.
“Vì xe pick-up sử dụng được trên mọi địa hình, luôn có hệ thống bổ trợ đề phòng hỏng hóc nên nó sẽ thay đổi rất nhiều diện mạo thị trường xe tải của Việt Nam” - đại diện công ty này nói.
Bình luận