Chúng tôi đến thăm Giáo sư, Tiến sỹ Croytrick Lev Efrenmovitr ở khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Voronezh vào chiều thu lạnh lẽo ở thành phố Voronezh. Thầy Croytrick Lev đã già lắm, 82 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Trò chuyện một lúc, thầy mời chúng tôi về nhà ăn tối.
Nhà thầy ở tầng 7 khu chung cư cách nơi làm việc không xa. Khi thầy mở cửa, một phụ nữ trạc tuổi thầy đã đứng sẵn ở đó, nở nụ cười thật tươi và đôn hậu. Bà mau mắn mời tất cả chúng tôi vào nhà rồi dẫn vào bàn ăn trong căn bếp ấm áp. Croytrick Lev giới thiệu vợ của thầy, bà Rita Nhicolaievna. Tôi đoán đây chắc là một bà giáo Nga nhân hậu.
Bây giờ tôi mới nhìn kỹ căn bếp. Nó chỉ rộng độ 4 mét vuông, một góc đặt chiếc tủ lạnh Saratov đặc trưng của Nga, góc còn lại là bếp ga có chiếc nồi nhỏ xíu đang sôi. Chắc bà Rita đang chuẩn bị món gì đó. Trên chiếc bàn gỗ trải khăn trắng đã bày biện vài món ăn đơn giản đặc trưng Nga.
Trên chiếc bàn ăn còn có cả chiếc máy cassette nhỏ chạy băng đã cũ lắm. Mọi thứ đều nhỏ bé, cũ kỹ và thanh bạch như cuộc sống của chủ nhân. Căn hộ chung cư của ông bà chắc cũng không rộng quá 60 mét vuông. Qua lớp cửa sổ kính bếp, đã thấy màu vàng của những tán Bạch Dương dưới sân...
“Thưa thầy Croytrick Lev Efrenmovitr và cô Rita Nhicolaievna, em xin phép xuống dưới mua vài thứ...” Nguyễn Minh Tuấn, Nghiên cứu sinh của thầy, lễ phép.
Chúng tôi trò chuyện thân tình trong khi chờ Tuấn. Ông bà quan tâm hỏi han tôi đủ thứ, từ công việc, gia đình, thời tiết Hà Nội, tình hình Việt Nam... Giáo sư Croytrick Lev đã có vài năm làm biên tập viên cho tờ báo ở Voronezh, còn lại hơn 50 năm công tác của ông dành cho Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp Voronezh.
Thầy Croytrick nói chuyện về Biển Đông, phàn nàn về thái độ của Trung Quốc. Ông dùng đúng từ “Biển Đông” chứ không phải “Biển Hoa Nam” như cái cách mà người ta vẫn gọi.
Ông từng là Trưởng khoa trong suốt thời gian dài. Bây giờ ông làm Trưởng bộ môn Lịch sử Báo chí và Văn học Nga, từng đào tạo rất nhiều sinh viên Việt Nam. Ông đã viết hơn 30 cuốn sách nghiên cứu về lịch sử báo chí, hàng nghìn bài báo khoa học. Thầy Croytrick viết tới 5 cuốn sách về Anton Chekhov (quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các truyện ngắn: Người đàn và con chó nhỏ, Anh béo và anh gầy, Lão quản Biryuk...), trở thành tác giả đương đại viết nhiều nhất về Anton Chekhov ở nước Nga.
Còn bà, đúng như tôi đoán, là Phó Tiến sỹ, Giảng viên bộ môn Vật lý ở Đại học Xây dựng - Kiến trúc Voronezh, đã về hưu được hơn 20 năm. Ông bà có một anh con trai hơn 50 tuổi, làm biên tập viên của báo Kommuna, cô con gái 55 tuổi cũng vừa nghỉ hưu, đều ở xa bố mẹ.
Cách nói chuyện, cách đón tiếp chúng tôi của ông bà sao mà thân thương, ấm áp đến lạ. Bà Rita nói thứ tiếng Nga thật chậm rãi, dễ nghe và lịch lãm. Tôi để ý trong suốt câu chuyện, bà luôn gọi tôi là ВЫ (anh, cháu) chứ chưa hề nghe bà gọi tôi là ТЫ (xưng hô suồng sã với người ít tuổi nếu là người gặp lần đầu). Ông bà làm tôi nhớ tới bố mẹ tôi ở quê, lần nào tôi về cũng đón tiếp tôi thế này.
Thấy Tuấn đi lâu, ông bà hết đứng lên lại ngồi xuống đi ra cửa sổ ngó xuống sân. Thấy chiếc xe giống của Tuấn, ông thốt lên “Tuấn về rồi kìa” làm bà vội vã chạy lại hỏi “có đúng không?”. Chuông cửa reo vang, thầy Croytrick Lev lật đật chạy ra trong khi cô Rita cũng đứng ngay dậy: “Tuấn đấy!”. Sống mũi tôi cay cay...
Căn phòng đơn sơ, cuộc sống thanh bạch, đầy nghĩa tình, quan tâm đến học trò mình như con cái trong nhà, trong vắt tâm hồn Nga của các thầy cô giáo Nga nhiều tuổi này thì những người từng học thời Liên Xô quen lắm.
Được học tập, được sống trong môi trường ấy trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, cũng dễ hiểu vì sao đa số họ trở thành những người tốt, người tử tế khi về Việt Nam, từ những công chức bình thường cho đến quan chức.
Đã có biết bao người may mắn được gặp những thầy cô như thế? Được học tập, được sống trong môi trường ấy trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, cũng dễ hiểu vì sao đa số họ trở thành những người tốt, người tử tế khi về Việt Nam, từ những công chức bình thường cho đến quan chức. Vì thế mà tôi càng hiểu hơn, vì sao có cả phong trào Hoài niệm Liên Xô ở Việt Nam...
... Nửa tiếng sau Tuấn mới về, khệ nệ xách theo quả dưa to tướng và nho. Bữa ăn được bà bày ra thật đơn sơ thết khách: vài lát phô mai, đĩa salad rau, mấy lát bánh mỳ, một ít thịt nguội, khoai tây hầm và thịt băm nướng (котлета).
Ăn xong, bà pha trà, còn chúng tôi ngồi hát, những bài hát thời Xô Viết. Say sưa với “Thời thanh niên sôi nổi” rồi “Cuộc sống ơi ta mến yêu người” mà ánh mắt thầy Croytrick Lev xa xăm. Cũng phải thôi bởi thầy cô từng là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.
...
Mà những bài hát sôi nổi, mang đầy nhiệt huyết xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy mãi thuộc về thời của họ mất rồi...
Bình luận