Tốt nghiệp HV Âm nhạc Hoàng gia Anh, Trang Trịnh có trong tay mọi điều kiện để tỏa sáng ở trời Tây.
“Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn - giáo dục”
Những năm 1990, khi phong trào đàn phím rộ lên trong một bộ phận gia đình trung lưu Hà Nội, Trang cũng được bố mẹ mua cho cây đàn organ. Vài tháng sau, Trang bị “hút” vào cây đàn piano. “Và mọi thứ bắt đầu từ niềm đam mê rất đỗi… cô đơn này”, Trang mở đầu câu chuyện.
“Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn - giáo dục”
Những năm 1990, khi phong trào đàn phím rộ lên trong một bộ phận gia đình trung lưu Hà Nội, Trang cũng được bố mẹ mua cho cây đàn organ. Vài tháng sau, Trang bị “hút” vào cây đàn piano. “Và mọi thứ bắt đầu từ niềm đam mê rất đỗi… cô đơn này”, Trang mở đầu câu chuyện.
Trang Trịnh được các giáo viên gọi là “nữ nghệ sĩ dương cầm hạnh phúc”. |
Tốt nghiệp xuất sắc khóa ĐH và thạc sĩ, Trang Trịnh được mời làm việc cho dàn nhạc lớn tại London, thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại Italia, Áo, Hungary, Ireland... Một năm sau, cô bất ngờ trở về Việt Nam thực hiện giấc mơ đem âm nhạc cổ điển đến gần với lớp trẻ (đa phần) chưa yêu âm nhạc cổ điển.
“Con đường lâu dài Trang theo đuổi chính là giáo dục âm nhạc đại chúng. Trang tự hào khi được giới thiệu rằng: Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn - giáo dục. Có lẽ là một định hướng còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng nó đã phổ biến trên thế giới.
Người nghệ sĩ kết hợp khả năng biểu diễn chuyên nghiệp với công việc giáo dục nhằm tìm ra, phá bỏ rào cản thời gian và kiến thức, để khán giả có thể đến được với nhạc cổ điển bằng việc giới thiệu về nó một cách sáng tạo”, Trang cho biết.
Lôi “đồ cổ” ra khỏi bảo tàng, đem đến gần bạn trẻ
Trang Trịnh ví âm nhạc cổ điển tại Việt Nam như món “đồ cổ” trong viện bảo tàng. Sự xa lạ này khiến các thế hệ 9X, 10X không buồn dành khoảng 20 phút để thưởng thức một tác phẩm cổ điển.
Vậy là, cô trau dồi vốn phổ cập âm nhạc từ các nước bạn về áp dụng cho vấn đề tương tự ở quê hương: Tại sao âm nhạc cổ điển lại xa lạ với công chúng trẻ?
Khát khao phá bỏ cái “mác” bác học của âm nhạc cổ điển đã thôi thúc Trang thực hiện một loạt dự án sáng tạo. “Không đơn thuần là biểu diễn hay mang âm nhạc xuống phố, công chúng sẽ không chỉ được nghe mà còn được nhìn, cảm và hiểu”, Trang nhấn mạnh.
Phá bỏ lối biểu diễn truyền thống, trong “Nhật kí Dương cầm” (2011), Trang đưa người nghe vào câu chuyện của mình bằng lời dẫn “Ngày này tôi...” Cứ thế, bài nhạc cuốn hút công chúng nốt cuối cùng với những ảnh minh hoạt trên màn hình.
Hay trong “Luala Concert” (12/2013), để giúp các khán giả nhỏ khám phá, cảm nhận được ngôn ngữ của loài vật qua âm nhạc, cô đã chọn cách tương tác khi chơi nhạc với các câu hỏi: “Em nghe thử xem đây là nhạc cụ gì?”, “Đây là con gì?”…
Nữ thạc sĩ âm nhạc với ước mơ phổ cập âm nhạc cổ điển đến công chúng trẻ. |
Hiệu ứng rất tốt từ các thử nghiệm đầu tiên trong ba năm qua khiến Trang thêm tin tưởng vào con đường phổ cập âm nhạc cổ điển của mình. Cô hiểu, ngôn ngữ chung giữa nghệ sĩ – tác phẩm – khán giả chính là cảm xúc. Thứ ngôn ngữ căng đầy và chân thành được truyền tải bằng phương pháp sáng tạo.
Trang Trịnh được nhớ đến với nghệ danh “nữ nghệ sĩ dương cầm hạnh phúc”. Cô nói, “Ước mơ của mình không chỉ là âm nhạc mà là mang vẻ đẹp của cuộc sống qua cây đàn đến với thật nhiều bạn trẻ”.
Khi người nghệ sĩ tiếp cận công chúng bằng những sản phẩm có trách nhiệm, khi vẻ đẹp âm nhạc cổ điển được lan tỏa rộng, sâu tới cộng đồng... Trang sẽ hạnh phúc.
Khi ấy, nữ nghệ sĩ dương cầm sẽ không còn… cô đơn.
Theo Dân trí
Bình luận