(VTC News) – Trời lạnh, không có chỗ nằm nghỉ, người nhà bệnh nhân vạ vật, đàn ông, đàn bà xa lạ nằm chung chiếu là chuyện thường.
(VTC News) – Trời lạnh, không có chỗ nằm nghỉ, người nhà bệnh nhân vạ vật, đàn ông, đàn bà nằm chung chiếu là chuyện thường.
Nằm chung chiếu đợi người bệnh
Một thực tế hiện nay là, ở rất nhiều viện, các bệnh nhân phải nằm ghép giường. Thậm chí, trải cả chiếu xuống đất nằm như ở bệnh viện Phụ sản TW. Hay người bệnh phải nằm hành lang ở cơ sở 2, bệnh viện K. Ở viện nhi TW, giường ghép 2, 3 cháu là phổ biến.
Còn người nhà đi cùng thì khổ hết chỗ nói.
Đàn ông, đàn bà nằm chung chiếu tại viện phụ sản TW. Ảnh: Người nhà bệnh nhân ngủ
Chị H. (Thanh Hóa) ra trông chồng nằm viện K, cơ sở 1 vì bị K lưỡi. Anh vừa phẫu thuật xong nên được ưu tiên 1 giường. Còn chị thì chỉ có ngồi. Ngày ngồi, đêm ngồi.
Ông T. (Sơn La) đưa vợ đi nằm viện Phụ sản TW vì “bệnh phụ nữ”. Ông T. ngượng nên không nói rõ bệnh gì. Ông cho biết: “Ngoài giờ được vào thăm vợ thì ông cứ phải vạ vật ở viện, không có chỗ nằm dù rất mệt mỏi. Đêm đến thì phải trải chiếu ra nằm ngoài hành lang.
BV Nhi Trung ương đã mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện và tăng cường khám chữa bệnh ngoài giờ.
GS Nguyễn Thanh Liêm
Anh Quân (Hà Giang) đưa vợ lên nằm viện Phụ sản TW vì chửa trứng. 2 ngày đầu đợi phẫu thuật, 2 vợ chồng anh đã bỏ ra 1 triệu đồng để ở khách sạn. Từ khi nhập viện, vợ nằm trong phòng bệnh, còn anh ở ngoài lang thang. Khi cần, gọi là anh có mặt.
Một hình ảnh khá hài hước mà lại khá buồn đập vào mắt phóng viên VTC News khi đi thực tế tại bệnh viện Phụ sản TW là cùng một chiếc chiếu, đàn ông, đàn bà nằm chung tất.
Có hôm trời mưa, nằm ở hiên, nước mưa bắn vào ướt cả chăn. Họ đi chăm người bệnh nhưng họ vẫn cần sống, vẫn cần nghỉ ngơi. Ở viện này, tuy có ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn có cái để mà hy vọng.
Anh Lê Quang Huy (Đông Anh) có vợ nằm đây chia sẻ: Bệnh viện TW tay nghề bác sĩ rất tốt. Vào đây, chúng tôi rất an tâm. Biết đông là khổ nhưng vẫn đổ xô lên đây. Nhưng ở đây, chi phí tốn kém quá. Đi tắm gội có nước nóng mất 50 ngàn đồng, đánh răng 15 ngàn, đi vệ sinh mất từ 2 ngàn đến 4 ngàn đồng.
Ở trong viện có khoa dinh dưỡng cung cấp cơm, cháo. Tuy nhiên, vì quá đông nên chúng tôi phải xếp hàng chờ. Khi đến lượt mua thì không có thời gian. Vì viện chỉ cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong thời gian nhất định.
Đi mua thức ăn cho bệnh nhân ăn rồi còn vệ sinh cho vợ nữa. Dù mua trong viện an toàn nhưng với những lý do trên, chúng tôi vẫn phải ra ngoài viện mua cho nhanh. Tôi mong muốn, viện tăng cường thêm người bán đồ ăn trong viện, cần có vòi nước công cộng cho người nhà bệnh nhân dùng.
Và khi ngủ dậy
Ở viện K, cơ sở 2, Anh Toàn chăm vợ bị u xương cụt nói: Ngày này qua ngày khác chúng em nằm ngoài sân mà không biết đến ngày nào về. Đành phải chịu, chứ biết làm sao.
Đâu là giải pháp?
Ở một số viện, ban lãnh đạo đã có động thái tích cực trong việc giảm tải. Tại viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, có nơi lưu trú cho người nhà bệnh nhân với giá 20 ngàn đồng/giường/đêm.
Bệnh viện Việt Đức có khu ở cho người nhà, 1 giường là 15 ngàn đồng, giường đôi 25 ngàn đồng/ngày với đầy đủ chăn, chiếu, màn. Có khu vệ sinh khá sạch sẽ. Với người nhà đợi bệnh nhân đi khám có khu C4 để tập trung ngồi đợi. Bảo vệ luôn nhắc nhở người nhà ngồi đúng chỗ, giữ gìn trật tự.
Người nhà nằm chung giường tại viện sức khỏe tâm thần Quốc gia.
Ở đây không còn cảnh vạ vật của người nhà, cảnh nằm hành lang, vỉa hè như bệnh viện Phụ sản TW, viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, viện K …
Hiện viện Việt Đức còn sắp hoàn thành công trình Nhà kỹ thuật cao thuộc dự án đầu tư xây dựng mở rộng Bệnh viện hữu nghị Việt Đức với tổng diện tích xây dựng của công trình là 27.600m2 với 11 tầng cao và 2 tầng hầm.
Đây là công trình trọng điểm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức nhằm xây dựng một trung tâm ghép tạng hoàn chỉnh, mở rộng khoa gây mê hồi sức, tăng thêm 25 phòng mổ hiện đại, hoàn chỉnh trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và một số trung tâm khác.
Mẹ trông con mệt nên nghỉ trưa ở ghế.
Để giảm quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị bệnh viện xem xét xây dựng thêm các khu khám và điều trị trong khuôn viên hiện hữu của bệnh viện; cần phải có giải pháp để giải quyết chỗ nghỉ ngơi cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Về lâu dài, bệnh viện cần nhanh chóng triển khai các đề án lớn như xây dựng bệnh viện vệ tinh.
Còn GS-TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV cho rằng một trong nhiều giải pháp để giảm tải bệnh viện là xã hội hóa. BV Nhi Trung ương đã mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện và tăng cường khám chữa bệnh ngoài giờ. Ngoài ra, BV còn liên kết với doanh nghiệp đầu tư một máy xã hội hóa giúp chẩn đoán hình ảnh vì máy này quá đắt (khoảng 20 tỷ đồng).
Ngoài ra, GS Liêm còn đề nghị TP Hà Nội và Bộ Y tế có kế hoạch xây dựng bệnh viện chuyên về sơ sinh để giảm bớt tình trạng dồn ứ như hiện nay. Về vấn đề xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện lớn tại ngoại thành để giảm tải nội đô cũng nên nhanh chóng thực hiện.
Bình luận