Sau một hành trình đầy nguy nan chúng tôi đã tới được bản Hoàng Liên 1 (xã Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu). Cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những nếp nhà lợp gianh xác xơ nằm chênh vênh bên sườn núi.
Công dân đầu tiên của bản mà chúng tôi gặp là ông Giàng A Sang, Bí thư chi bộ bản Hoàng Liên 1. Theo ông, bản có 63 hộ dân thì có tới 51 hộ thuộc diện nghèo.
Nhìn đám trẻ con lem luốc, nghe những mẩu chuyện buồn xoay quanh chuyện cái ăn và tham gia những bữa cơm đạm bạc với bà con dân bản, chúng tôi càng thấm thêm cái đắng đót của cụm từ "đói nghèo" ở đất này.
Nhìn một cách công bằng thì tư liệu sản xuất của bà con nơi đây cũng không đến nỗi thiếu thốn. Cả bản có khoảng 15 ha lúa mùa, 60 ha sắn, 2 ha thảo quả và 10 ha ngô. Tuy nhiên, do bà con chỉ trồng một vụ lúa mỗi năm nên cái đói vẫn quẩn quanh muôn thuở.
Hơn 30 tuổi đã thành… ông ngoại
Một nguyên nhân khác khiến cho bức tranh kinh tế nơi này vẫn nhuốm mầu ảm đạm đó là tình trạng tảo hôn và sinh đẻ quá nhiều. Ở đây có những cặp vợ chồng có vóc dáng của thiếu niên và độ tuổi thì chỉ ở mức… trẻ em.
Trưởng bản Lìu A Phong tỏ ra không được vui lắm khi nhắc đến đời sống của bà con dân bản. Ông tâm sự rất thật rằng, cái vòng luẩn quẩn, đẻ nhiều dẫn đến nghèo đói, thất học và tình trạng tảo hôn diễn ra thường xuyên vẫn cứ bám riết lấy bà con nơi đây.
Cách nhà trưởng bản vài bước chân là gia đình anh Thào A Tủa (SN 1975). Nhà Tủa lợp gianh được ghép lại bởi những miếng gỗ tạp, tối như hũ nút. Chiếc đèn dầu leo lét ở góc bếp không đủ thắp sáng cho cả nhà.
Sơn nữ ở bản Hoàng Liên 1 thường kết hôn sớm |
Dường như 2 đứa trẻ hiểu được tâm trạng buồn bực của Tủa nên chúng im thin thít. Hỏi ra mới biết đó là 2 đứa cháu ngoại của vợ chồng Tủa. Chúng vừa được mẹ đưa đến ông bà chơi lúc chiều. Đứa con trai là thằng Di con của cái Sua (SN 1996), cháu gái nhỏ hơn là con của cái Dở.
Mời khách vào nhà, chưa kịp ngồi ấm chỗ Tủa đã lôi rượu ra mời. Sau vài chén xã giao, Tủa mới mở lời tâm sự: “Nhà mình nghèo lắm! Mỗi năm vẫn thiếu ăn vài tháng đấy. Có lẽ mình nghèo mãi nó cũng thành quen!”.
Tuy vậy, khi nhắc đến gia đình, Tủa luôn vỗ ngực tự hào: “Ở bản này chỉ có vài người khi ở tuổi băm đã có con rể và lên chức ông ngoại như tôi thôi. Nhà mình có 6 đứa con, 2 đứa con gái lớn đã lấy chồng từ lâu rồi. Mấy đứa còn lại cũng đủ điều kiện lấy vợ, lấy chồng cả rồi”.
Nghe Tủa nói vậy, ông Phong ngồi bên cạnh đành giải thích, cái đủ tuổi ở đây là theo quan niệm của bà con người Mông, chứ không phải đủ tuổi kết hôn theo luật. Con trai 14-15 tuổi là có thể kéo vợ về nhà rồi.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi mấy đứa trẻ tiếp tục đòi bà đi mua kẹo. Bực mình Tủa quát: “Tối rồi, giờ ai đi mua cho chúng mày được. Vợ cho nó tý muối rồi dỗ nó ngủ đi”.
Nói xong Tủa lại quay sang chúng tôi rót rượu tiếp. Tủa còn đưa tay chỉ vào cái chum nhỏ ở góc nhà và bảo: “Rượu còn nhiều lắm! Cứ uống nữa đi”.
Trút bầu tâm sự, Tủa bảo, đời Tủa chưa từng được lên thị xã Lai Châu xem ở đó có nhiều “con trâu sắt” chỉ uống nước mà chạy vù vù. Và Tủa cũng ước có một lần lên chợ thị xã ăn bát phở bò xem mùi vị của nó thế nào.
Từ khi sinh ra đến nay, Tủa ít có dịp được đi chơi xa. Năm 15 tuổi, Tủa đã kéo được vợ. Bà xã của Tủa là người ở xã Dào San, cũng là người Mông.
Thiếu nữ nơi đây chưa kịp lớn đã làm mẹ |
Thích thì ở, dở thì bỏ
Ở bản Hoàng Liên 1 còn rất nhiều người có cùng cảnh ngộ với Tủa. Cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trên nương, trên rẫy nên họ không có điều kiện cho con cái học hành.
Một trong những trường hợp lên chức bố vợ ở tuổi 30 là Lìu A Dia (SN 1982), có con gái là Lìu Thị Di (14 tuổi) đã có 1 đời chồng. Gia đình anh Dia có đến 6 người con, Di là con thứ hai. Mùa xuân năm ngoái, anh Dia mở tiệc mời bà con dân bản tiễn con gái về nhà chồng, ai ngờ được 2 tháng thì Di trở về nhà bố mẹ trong tiếng khóc nức nở.
Anh Dia kể, Di nghỉ học từ lớp 5 để theo bố mẹ lên nương. Vừa rồi nó ra thị trấn chơi gặp người bên xã Dào San (Phong Thổ) và 2 đứa dắt nhau về xin bố mẹ cho cưới.
Di về ở với chồng được 1 tháng thì quay về. Thấy nó về mang có mấy bộ áo quần, nó bảo chồng nó hay đi uống rượu. Tối về lôi vợ ra đánh nên Di bỏ chồng. Giờ cái Di bụng chửa vượt mặt. Từ ngày nó về nhưng không thấy thằng chồng qua đây nữa.
“Thế chuyện Di lấy chồng thì bản, xã có biết không?”, câu hỏi của tôi vừa dứt, anh Dia hồ hởi: “Biết chứ!”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có phạt không?” Anh Dia nói luôn: “Làm sao mà phạt được hả cán bộ. Con mình thích thì mình cho nó lấy chồng. Ngày trước mình 14 tuổi cũng đã kéo vợ rồi, giờ nó cũng giống như mình thôi!”.
Ông Phong thở dài khi nhắc tới chuyện lấy vợ, lấy chồng của đám trẻ trong bản: "Ở đây, con gái cứ 14, 15 tuổi là đã hí hửng chuẩn bị lấy chồng. Cô nào mà đến 20 tuổi vẫn chưa lấy được chồng coi như là "hết hạn sử dụng", ế chỏng chơ rồi".
Dở (người đứng bên phải) lấy chồng từ năm 14 tuổi |
Chỉ cần một phiên chợ, cánh thanh niên, thiếu niên thấy thích cái mắt, ưng cái bụng, cho nhau số điện thoại và địa chỉ. Sau vài lần đưa đón đi chợ, đi chơi thế là nên vợ, thành chồng.
Trai bản thì lo không tìm được người ưng ý, gái bản lại lo không lấy được chồng thế nên khi họ gặp nhau, "phải lòng" nhau thì cuộc hôn nhân sẽ diễn ra rất nhanh.
Nói như Trưởng bản Lìu A Phong: “Chỉ cần khoảng 10 triệu đồng lo tiệc cưới, 2 đôi gà, 2 lít rượu dạm hỏi và khoảng 5 - 6 triệu đồng tiền sính lễ là đã có thêm 1 cặp vợ chồng ở nơi đây”.
Song Nữ
Bình luận