• Zalo

Nợ xấu sẽ được 'tháo xích', không lo sợ 'đứt xích'

Kinh tếChủ Nhật, 17/04/2016 12:25:00 +07:00Google News

Một cơ chế xử lý nợ xấu mới đã được đưa ra, một thị trường mua bán nợ thực sự sẽ hình thành.

Một cơ chế xử lý nợ xấu mới đã được đưa ra, một thị trường mua bán nợ thực sự sẽ hình thành. Điều này sẽ khiến nợ xấu sẽ được 'tháo xích' để không còn sợ 'đứt xích'.

Cơ chế thị trường: Tiền tươi mua nợ xấu?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Nợ xấu là điễm nghẽn trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Nợ xấu là điễm nghẽn trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.  
Quyết định quy định phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguyên tắc xác định giá mua nợ; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua.


So với cơ chế cũ, quyết định 618 có đề cập tới các vấn đề mới là: nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Trong gần 3 năm qua, VAMC đã mua được gần 250 ngàn tỷ đồng nợ xấu với giá mua gần 210 ngàn tỷ đồng nhưng chưa phải bỏ ra một đồng vốn. VAMC mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành.

Dù bán nợ xấu không thu được tiền mặt và NH vẫn phải chịu trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm trong 5 năm cho khoản nợ bán đi. Đổi lại, TCTD có được một bảng cân đối tài sản sạch sẽ hơn; các DN có nợ với NH và đã được bán sang VAMC có điều kiện để tiếp cận vốn NH để tiếp tục hoạt động.

Sau giai đoạn ghi nhận mức độ nợ xấu, “nhốt” và 'xích' nợ xấu lại, đây là bước tiếp theo xử lý nợ xấu triệt để và thực chất hơn. Theo đó, VAMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường và phải tự xác định nguồn vốn mua nợ

Từ 2013 đến cuối 2015, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 23 ngàn tỷ đồng từ bán nợ, bán tài sản đảm bảo, trong đó bán nợ đạt gần 3 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với con số nợ xấu đã mua thì số tiền thu hồi được thấp, chưa tới 10%.

Cơ chế này trở nên cấp bách hơn khi tái cấu trúc NH đã bước vào giai đoạn 2. Khung thời gian mua nợ của TCTD cũng không dài. Khi trái phiếu hết hạn, các khoản nợ xấu không được xử lý hoặc được xử lý chậm như thời gian qua, thì điều đó có nghĩa nợ xấu không được giải quyết sẽ quay trở lại NH.

Trong khi đó, nợ xấu phát sinh được Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cảnh báo có thể lên tới 45 ngàn tỷ đồng trong năm 2015.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng cho rằng, nợ xấu giờ khá im ắng, coi như đã “xúc về, xích lại hết” nhưng mà thả ra thì “cắn chết thẳng cẳng”.

'Tháo xích' rồi sao nữa...

Theo nhận định, cơ chế mới, nhiều khả năng một thị trường mua bán nợ sẽ được hình thành, giúp thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu thực chất hơn và triệt để hơn.

Tuy nhiên, việc hình thành một thị trường mua bán nợ có người mua kẻ bán có lẽ không dễ dàng khi mà người trong cuộc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC hồi giữa 2015 cho rằng, có cho tiền cũng không xử lý hết nợ xấu.

Một ví dụ được dẫn ra cho trường hợp này, có DN nợ cả ngàn tỷ đồng, có tài sản là BĐS trị giá ngàn tỷ, cho thuê hàng năm thu về mấy trăm tỷ nhưng chủ nợ không thể thu hồi được nợ do không thể bán tài sản để trả nợ. Các quy định hiện tại chưa có chế tài để bán được tài sản, trong khi kiện tụng thường kéo dài dai dẳng.

Thực tế, ngay cả với mức bán nợ xấu cho VAMC với mức chiết khấu thấp như trong thời gian qua, không phải tất cả các NH đều hào hứng muốn bán mà nhiều NH tích cực tự xử lý nợ xấu.

Với cơ chế mới, thỏa thuận mua bán nợ xấu có thể sẽ nhiều hơn, nhưng với mức giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn, mua bán theo thị trường hơn thì cũng có thể sẽ nhiều NH không muốn bán, trong khi người mua không muốn mua do rủi ro phải bỏ ra vốn thật.

Mặc dù vậy, vấn đề lớn không phải là tiền xử lý nợ xấu, mà là ở cách thức xử lý các khoản nợ xấu đã mua, cơ chế để người mua có thể thu hồi được vốn của mình.

Theo WB, việc thành lập VAMC chỉ là bước đầu. Để phát triển được một thị trường mua bán nợ, yếu tố quan trong là môi trường pháp lý thuận lợi. Việt Nam cần có hệ thống khuôn khổ pháp luật đầy đủ để có thể giải quyết các tranh chấp, phải có cơ chế phá sản và xử lý tài sản thế chấp…

Vốn không phải là vấn đề lớn khi chính VAMC đã nhiều lần cho biết, rất nhiều NĐT nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu.

Và không chỉ các NĐT nước ngoài có tiền, các DN, các tổ chức trong nước cũng sẵn sàng bỏ tiền mua tài sản nợ xấu. Nợ xấu là rủi ro nhưng gắn với lợi nhuận. NĐT có thể sẵn sàng chi tiền nếu nhìn thấy triển vọng giá trị.

Tuy nhiên, triển vọng giá trị chỉ có thể được nhìn thấy nếu thị trường, NH, DN và các khoản nợ xấu phải được minh bạch, theo thị trường. Các cơ chế, quyền lợi phải rõ ràng. Khi đó, nợ xấu sẽ không còn sợ đứt xích'.


 
Tân Thống đốc thúc giục xử lý nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, gửi cơ quan này trước ngày 28/4/2016.

Theo đó, để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ), Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 02 ngày 23/2/2016 về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu...

Các nhà băng cũng phải tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn