Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 33 nghìn tỷ USD, khi Quốc hội Mỹ đang xem xét việc tài trợ ngân sách bổ sung cho Chính phủ trước nguy cơ đóng cửa ngày 30/9.
Quốc hội có thể thông qua dự luật phân bổ ngân sách hoặc đồng ý gia hạn ngắn hạn nguồn tài trợ liên bang ở mức hiện tại để duy trì hoạt động Chính phủ Mỹ. Còn không, Mỹ sẽ phải đối mặt với việc Chính phủ đóng cửa lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Cuối tuần qua, đảng Cộng hòa tại Hạ viện xem xét một đề xuất ngắn hạn nhằm cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các cơ quan liên bang, đồng thời khôi phục các sáng kiến biên giới cứng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump nhằm gia hạn ngân sách cho đến cuối tháng 10.
Tuy nhiên, kế hoạch được cho khó phá vỡ sự bế tắc về ngân sách bổ sung chi cho các hoạt đọng của Chính phủ Mỹ. Đảng Cộng hòa vẫn chia rẽ về các đề xuất chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong khi đảng Dân chủ khó có thể ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào.
Tranh luận về nợ quốc gia tại Mỹ trở nên gay gắt hơn trong năm 2023 do bế tắc kéo dài về việc tăng trần vay nợ. Vào tháng 6, các nhà lập pháp Mỹ đấu tranh về việc tăng giới hạn nợ, lúc đó ở mức 31,4 nghìn tỷ USD. Khoản nợ nhanh chóng tăng lên 32 nghìn tỷ USD, sau đó lên 33 nghìn tỷ USD chỉ sau vài tháng. Theo một số dự đoán, khoản nợ này đang trên đà đạt tới mức 50 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Hôm 18/9, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói mặc dù chi phí lãi vay của khoản nợ hiện tại vẫn có thể quản lý được nhưng các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện các bước để sửa đổi lộ trình hiện tại.
Trước đó, hồi tháng 1, trần nợ của chính phủ Mỹ, được ấn định ở mức 31,4 nghìn tỷ USD, đã bị vượt quá. Sau đó, Bộ Tài chính nước này buộc phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp để tiếp tục hoạt động tài chính.
Ngày 3/6, Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó nhằm nâng trần nợ quốc gia. Ông Biden cho rằng, động thái này giúp nước Mỹ tránh được khủng hoảng kinh tế.
Bình luận