Bà được mời tham quan dây chuyền sản xuất và lắp ráp, ngồi thử và trải nghiệm thay pin cho xe.
Chuyến thăm nhà máy xe điện nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu.
Phát biểu khi thăm hãng xe được thành lập từ năm 2018, bà Yellen nói rằng sự ra đời của hãng xe này cũng thể hiện quan hệ chặt chẽ giữa người dân ở hai quốc gia, khi hai trong số những người sáng lập của hãng từng học tại Đại học Michigan.
Biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại và tác động của nó ngày càng rõ rệt trên toàn cầu. Chống lại biến đổi khí hậu cũng mang lại cơ hội kinh tế quan trọng và là cách để tạo nên khả năng phục hồi cao hơn cho nền kinh tế trước những cú sốc có thể gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng.
Bà Yellen cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đặt quá trình chuyển đổi năng lượng sạch làm trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của Mỹ, bao gồm việc thông qua Đạo luật Giảm lạm phát.
Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, 500 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và năng lượng sạch ở Mỹ. Các nhà máy pin và nhà máy xe điện đang mọc lên khắp nước Mỹ. Đổi lại, những nhà máy đó đang tạo ra việc làm được trả lương cao trong nhiều cộng đồng.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.
Mỹ hỗ trợ việc khởi xướng Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng cho Việt Nam từ năm ngoái. Bà Yellen cho biết, trong số các đối tác của mình, Mỹ đã cam kết huy động hơn 15 tỷ USD để thúc đẩy việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Mỹ cũng đang nỗ lực phát triển các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), để giải quyết tốt hơn các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Các MDB có thể cho vay bổ sung 200 tỷ USD trong thập kỷ tới.
“Chúng tôi mong thấy hệ sinh thái năng lượng sạch như thế này phát triển và thịnh vượng, tạo nên các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt giữa Mỹ và các đối tác thương mại đáng tin cậy như Việt Nam, khái niệm mà chúng tôi gọi là ‘đặt sản xuất ở quốc gia bằng hữu’”, bà nói.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong rằng Việt Nam có thể có vai trò như thế nào trong ý tưởng “friendshoring” (đặt sản xuất tại quốc gia bằng hữu) mà bà nêu trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngay từ đầu khi bắt đầu đại dịch COVID-19 đã nhận ra tầm quan trọng của phải có một chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt.
Bà Yellen cho biết Mỹ đang tích cực cố gắng thúc đẩy khả năng phục hồi cao hơn trong chuỗi cung ứng của mình. “Nhưng điều đó không có nghĩa là tự mình làm mọi thứ. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam như một đối tác tuyệt vời. Thương mại và đầu tư giữa hai nước chúng ta đã phát triển vượt bậc”, bà nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng việc các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam để củng cố chuỗi cung ứng và các công ty Việt Nam cũng đầu tư vào Mỹ có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ.
“Chúng ta đang hợp tác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chúng tôi nhìn thấy các mối quan hệ có tiềm năng lớn trong tương lai”, bà khẳng định.
Bình luận