10h45, tiết học cuối cùng của buổi sáng ngày 19/11 bắt đầu. Thầy Dương Tử Long, giáo viên Mỹ thuật Trường PTCS Xã Đàn, bật Zoom đón học sinh vào lớp.
Trong lớp học của thầy, 100% học sinh bị khiếm thính nên quy trình điểm danh cũng như “xưng danh” cũng khác bình thường. Đó là những ký hiệu ngôn ngữ bằng tay mà người trong cuộc mới hiểu.
Thầy bắt đầu tiết học mà không cần bật mic, chỉ viết một dòng chữ: “Chúng ta bắt đầu học bài. Hôm nay, các em học tạo hình người 3D bằng dây thép”. Hơn 20 đầu Zoom phía bên kia đáp lại thầy bằng những ký hiệu tạo hình từ đôi bàn tay, từ đôi mắt.
Thầy trình chiếu slide hướng dẫn, nguyên liệu cần sử dụng cho tiết học. Cả lớp im phăng phắc, chỉ thấy tiếng lạch cạch bàn phím của thầy Long. Bảo Châu dường như là cô học trò nhanh tay, sáng dạ của lớp nên thao tác thoăn thoắt theo thầy.
Thỉnh thoảng có lúc không hiểu, em lại ra ký hiệu qua camera để được thầy giải đáp. Cùng làm theo trò, thỉnh thoảng thầy Long lại giơ tay ra dấu để học sinh chú ý vào màn hình xem những chi tiết cần lưu ý.
Thầy Dương Tử Long không xem việc dạy trẻ khuyết tật là “làm từ thiện” mà là khám phá, tìm thấy yêu thương. Và rồi chính những đứa trẻ ấy đã mang đến cho thầy ý nghĩa cuộc sống với lớp lớp cảm xúc trong trẻo.
Cứ như thế, 45 phút của tiết học trôi qua, không tiếng thưa thầy, không tiếng cười rúc rích hay ồn ào như “cái chợ” khi có cơ hội.
Thầy Long chia sẻ, học trực tuyến với học sinh khiếm thính rất yên tâm vì không bị phân tâm bởi môi trường xung quanh.
Gần hết tiết học, thầy Long lại nhắn nhủ dòng chữ: “Các em cho thầy xem sản phẩm”. Dù sản phẩm chưa hoàn thiện nhưng các em đều “khoe” với thầy với ánh mắt tràn đầy hy vọng.
Xem qua một lượt, thầy Long vỗ tay, kèm theo những ký hiệu biểu dương tinh thần sáng tạo của học sinh. Buổi học kết thúc khi thầy gửi dòng chữ: “Bây giờ chúng ta nghỉ học, tuần sau các em cho thầy xem sản phẩm hoàn thiện của mình trước khi học tiếp”. Vẫn là không gian im lặng, các học trò lần lượt giơ tay ký hiệu chào thầy rồi thoát ra khỏi lớp học.
35 năm có lẻ, thầy Long gắn bó với Trường PTCS Xã Đàn. Hiệu trưởng Phạm Văn Hoan cho biết, thầy Long là một trong những giáo viên gắn bó với trường lâu nhất hiện nay. Bao năm, thầy vẫn miệt mài với những tiết học không âm thanh...
Không đơn độc
Dự một tiết dạy học vẽ của thầy Long mới thấy người thầy không chỉ dạy vẽ, mà còn giống người trông trẻ, người cha, người ông lúc hiền lành, lúc giận, lúc nghiêm. Không chỉ dạy học sinh biết vẽ mà thầy còn giúp các em thấy yêu nghệ thuật. Và chỉ có yêu nghệ thuật các em mới vượt qua được ám ảnh của sự thiệt thòi, vượt qua được chính bản thân mình, hòa với cộng đồng.
Không chỉ tay nói, mà miệng, mắt nói. Ngôn ngữ hình thể của người thầy trong lớp dạy học sinh khiếm thính luôn được sử dụng tối đa; thái độ của người thầy cũng luôn được thể hiện ra ngoài để học trò cảm nhận được.
Hỏi thầy Long học ngôn ngữ ký hiệu có lâu không, thầy cười bảo có trường lớp nào dạy ngôn ngữ này đâu, cách tự học tốt nhất chính là từ học sinh mỗi ngày. Ngôn ngữ ký hiệu trong mỹ thuật lại càng khó vì không phải chỉ diễn đạt bằng các ngón tay mà phải bằng cả ngôn ngữ cơ thể vì biểu đạt các loại hình khối, không gian.
Với thầy, dạy trẻ khuyết tật phải như một người mẹ, nghĩa là làm tất cả vì đứa trẻ. Lý do ban đầu thầy Long chọn dạy học cho trẻ khuyết tật là vì tò mò, vì lạ.
“Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt đã thu hút mình. Vì thế, mình muốn thấu hiểu cảm xúc, mong muốn ẩn giấu bên trong mỗi học trò”, thầy tâm sự. Thầy thấy được nhiều thành quả ở sự tiếp nhận của học sinh, thấy được sự quan tâm của phụ huynh. Thầy trò, bố mẹ cùng nhau đi trên một con đường nên thầy hiểu mình không đơn độc dù con đường đó không có thanh âm...
Bình luận