Năm 2002, khi chưa có đơn vị nào trong nước đủ tiềm lực đầu tư thiết bị chiếu xạ thanh long (điều kiện cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu thanh long) thì ông Trầm Bê đã chi hàng chục triệu USD mua máy chiếu xạ.
Theo đó, mức giá thiết bị chiếu xạ theo tiêu chuẩn Pasteur và kỹ thuật chiếu xạ của Mỹ khi đó có giá lên tới 20 triệu USD/chiếc, ông Trầm Bê khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn đã bất chấp khó khăn để đầu tư.
Ông từng cho biết theo đuổi việc lắp ráp, nhập khẩu máy chiếu xạ phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp, sau nhiều biến cố và chi phí không thể nào tính được, Công ty Sơn Sơn của ông mới được cấp phép chiếu xạ thanh long.
Thông qua Phương Nam, ông Trầm Bê còn thành lập Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).
Tại NJC, ông Trầm Bê là Phó chủ tịch, đưa con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 11% cổ phần nắm giữ chức Phó giám đốc. Còn tại PNS, sau ba năm thành lập, con trai út của ông là Trầm Khải Hòa đã được đưa lên làm Chủ tịch HĐQT và sở hữu 6,09% vốn tại PNS.
Tính tới năm 2007, ông Trầm Bê và các con đã sở hữu tổng cộng 17,5% vốn điều lệ tại Phương Nam, tương đương khối tài sản trị giá hơn 560 tỷ đồng khi đó.
Theo báo cáo quản trị năm 2013 của Phương Nam, tỷ lệ sở hữu của ông Trầm Bê và các con đã vượt trên 1/5 vốn tại ngân hàng. Với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng cùng thời điểm, tổng tài sản gia tộc họ Trầm sở hữu tại Phương Nam lên tới hơn 830 tỷ đồng.
Một thương vụ bất động sản rất nổi tiếng của ông Trầm Bê chính là thâu tóm dự án bất động sản tại Mỹ.
Theo đó, năm 2009, ông Trầm Bê đã khiến giới đầu tư bất động sản trong nước sửng sốt khi chi tới 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall thuộc trung tâm thương mại Cupertino, bang California, Mỹ.
Hàng loạt công ty của Mỹ đã cố gắng thương lượng với vị đại gia người Việt trong suốt nhiều năm, nhằm mua lại phần vốn này nhưng không thành công.
Mãi tháng 11/2014, ông Trầm Bê mới quyết định chuyển nhượng số bất động sản này để chốt lời khoản đầu tư. Với giá chuyển nhượng lại lên tới 116 triệu USD, đây được coi là một trong những thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất lịch sử bán lẻ của thung lũng Silicon.
Trong thương vụ đầu tư này, ông Trầm Bê đã mang về Việt Nam tới 80 triệu USD sau khi trừ đi 36 triệu USD để giải quyết các khoản thuế, phí tại Mỹ. Như vậy, sau 5 năm đầu tư trên đất Mỹ, vị đại gia họ Trầm đã lãi 16 triệu USD, đây cũng là thương vụ đầu tư bất động sản thành công nhất của đại gia Việt vào thị trường Mỹ.
Trong thương vụ thâu tóm Sacombank nhiều ồn ào, không có số liệu chính thức cho biết ông Trầm Bê phải chi ra bao nhiêu tiền trong thương vụ này nhưng tính theo giá trị cổ phiếu số tiền trong thương vụ này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Video: Ván cờ ngân hàng 13 năm của đại gia Trầm Bê
Theo đó, năm 2012, nhóm cổ đông của Nguyễn Đức Kiên buộc phải chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần Eximbank (trên 20%) để xử lý các khoản nợ vay ACB đã dùng để tài trợ việc đầu tư vào chính cổ phiếu Eximbank.
Sổ cổ phần này sau đó được chuyển nhượng cho nhóm đầu tư của ông Trầm Bê, nhưng đứng tên sở hữu là các thành viên HĐQT của Eximbank.
Thông qua Eximbank - cổ đông nắm đa số cổ phần tại Sacombank - ông Trầm Bê đã được cử làm người đại diện đề nghị bầu lại thành viên HĐQT Sacombank.
Thông qua Eximbank, Phương Nam, các công ty có liên quan, ông Trầm Bê liên quan tới 37,7% vốn điều lệ tại Sacombank vào năm 2012. Cuối tháng 5/2012, 6/10 thành viên HĐQT mới tại Sacombank là người của gia đình ông Trầm Bê, Phương Nam và Eximbank.
Tổng cộng đến hết năm 2013, chỉ riêng ông Trầm Bê và 3 người con đã nắm khoảng 6,8% cổ phần của Sacombank, tương đương khoản đầu tư trị giá gần 845 tỷ đồng.
Sau khi Phương Nam sáp nhập vào hệ thống Sacombank, số cổ phần ông Trầm Bê và những người có liên quan đã tăng lên mức 9,49% vốn ngân hàng, tương đương gần 1.800 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2016, gia tộc họ Trầm sở hữu gần 180 triệu cổ phần của Sacombank, tương đương với 9,512% vốn cổ phần của ngân hàng này, giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 8/2015, tại công văn chấp thuận nguyên tắc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định, thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông và các bên có liên quan.
Đồng thời, ông cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ, sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Bình luận