Hai vụ tai nạn oan khốc xảy ra chỉ trong vòng 3 ngày khiến mọi người bàng hoàng kinh hãi bởi mức độ tang thương đến cùng cực. 6 người chết trong nháy mắt chỉ vì những vi phạm xuất phát từ sự coi thường tính mạng con người.
Đêm 2/6, sau một đêm nhậu triền miên, hết tiệc chia tay đến karaoke, bị chất cồn điều khiển, Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, TP Bắc Giang) lái chiếc xe Audi lao như điên rồi tông mạnh vào chiếc xe máy trên đường. Cả gia đình 3 người văng ra xa, không ai còn sống.
Dự luận chưa kịp hoàn hồn sau tai nạn đau xót đó đã lại tê tái khi nhận tin về cái chết của 3 người nữa trong vụ tai nạn chiều 4/6 tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Chiếc ô tô “hổ vồ” chở đất với thùng xe cơi nới thùng gấp đôi tiêu chuẩn chẳng những chạy quá tốc độ mà còn đột ngột lấn làn nên bị lật, đè vào xe con đi qua, người sống sót cũng bị thương nặng.
Tài xế Thịnh từng khai, khoảnh khắc chiếc Audi của anh ta gây đại họa chỉ xảy ra trong 1-2 giây. Một giây đủ để sự sống thành cái chết, yên bình thành thảm họa. Một giây đủ để tài xế thành kẻ đoạt mạng người.
Nhưng 1 giây đó thực ra chỉ là điểm bùng nổ khi nhân tạo thành quả, mà nhân đã được gieo từ rất lâu trước đó: Tài xế biết rõ những vi phạm của mình có thể gây chết người nhưng vẫn làm. Đó là lái xe sau khi uống rượu, là chấp nhận lái xe quá tải, cơi nới thành thùng gấp đôi, lại còn ngang nhiên đi lấn làn, vượt tốc độ… Khi thảm họa xảy ra, họ thẫn thờ coi khoảnh khắc tử thần đó là sự độc ác của số phận, mà không nhận thấy sự ác trong bản thân mình.
Rất khó khăn để thừa nhận mình có ác tâm; người ta thường ngụy trang nó, xóa mờ nó bằng những từ như “vô tâm”, “vô trách nhiệm”… Nhưng mầm ác thực sự được gieo khi ai đó ngầm chấp nhận khả năng gây hại cho người khác trong hành vi của mình. Đó chính là lúc họ coi rẻ mạng người, dẫn đến phớt lờ các quy định giao thông.
Không phải vô cớ mà ô tô, nhất là xe tải, được coi là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Người sử dụng nó không giây phút nào được quên, chiếc xe trong tay mình rất có thể trở thành công cụ giết người nếu không được kiểm soát tốt. Quá trình sử dụng nó buộc phải tuân thủ mọi quy tắc, quy định an toàn. Không tuân thủ chính là làm ác, là cho phép mình hại người. Bao nhiêu tài xế trên hàng vạn cung đường đã và đang không nhận thức về điều đó, khiến những tai nạn đau lòng vẫn luôn xảy ra.
Nhưng, không thể không nói đến trách nhiệm của CSGT trong những thảm kịch kể trên. Vì sao những chiếc xe chở quá tải, quá khổ, cơi nới trái phép, những chiếc xe thô sơ chở vật liệu cồng kềnh sắc nhọn vẫn chạy nhởn nhơ trên đường, không ai cản cho tới lúc gây tai nạn? Nếu người ta ngăn chúng lại, tịch thu hoặc ít nhất là không cho phép tiếp tục di chuyển thì những cái chết đã không xảy ra.
Mặt khác, sự hiện diện của những tài xế sát nhân cho thấy, pháp luật chưa đủ sức răn đe hành vi sinh ra từ tâm ác của những kẻ này. Nếu pháp luật đủ sức răn đe thì đã không có những chiếc xe cơi nới thùng gấp đôi, chở đất ngông nghênh “đánh võng” trên đường để rồi 3 người phải chết oan nghiệt, đã không có tên tài xế uống rượu say mèm vẫn lên xe phóng như điên, tông chết cả một gia đình. Nếu pháp luật đủ sức răn đe thì đã không có những chiếc xe tải chở cả núi hàng chằng buộc qua loa có thể sụp xuống đầu người đi đường bất cứ lúc nào; những chiếc xe ba gác chở tôn sắc lẹm như “lê máy chém” trên đường khiến bao người phải chết hay trọng thương…
Vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” khi kêu gọi sự quyết liệt của lực lượng CSGT, của những người xây dựng và thực thi luật pháp. Và hơn cả sự kêu gọi chính là đòi hỏi. Những người, những cơ quan, đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm về các tai nạn thảm khốc đã xảy ra cũng như cam kết để chúng không tái diễn.
Mầm ác cũng như mầm thiện, cần có mảnh đất phù hợp để phát triển. Nếu pháp luật đủ sức răn đe, người thực thi đủ nghiêm thì những tài xế đoạt mạng người rất khó có cơ hội xuất hiện.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận