• Zalo

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam

Đời sốngChủ Nhật, 14/02/2021 18:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc Việt Nam có những phong tục rất độc đáo để đón Tết cổ truyền, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Người H'Mông với tục vỗ mông

Vào những ngày xuân, trai gái ở khắp các bản làng nô nức rủ nhau đi chơi Tết, họ tụ tập nơi bãi đất trống, dưới chân đồi để tổ chức chơi các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co, hát giao duyên hay thổi khèn... Những phong tục truyền đời vẫn được bà con gìn giữ như bản sắc bao đời của họ. Khi người con trai thích người con gái nào đó, sẽ vỗ mông cô gái.

Đó là một nét văn hóa đẹp, là sợi dây kết nối yêu thương và cũng là thứ tình cảm, lời tỏ tình độc đáo có một không hai. Các thế hệ trai gái người H'Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã chọn bạn đời cho mình theo cách đơn giản, nhưng lạ kỳ như vậy.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 1

Người con trai sẽ vỗ mông cô gái mà anh ta thích thay cho lời tỏ tình. 

Họ gặp gỡ nhau rồi tìm nhau qua điệu khèn dặt dìu, trao nhau những ánh mắt tình tứ. Khi đã ưng chàng trai nào, cô gái sẽ đưa mắt, rồi e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi. Chàng trai lúc này lập tức đi theo tiếng gọi mời.

Tết cổ truyền của người Chăm

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.

Păng-Katê cử hành vào ngày 1/7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16/9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 2

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp.

Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ các nơi đổ về tại ba nơi hành lễ đó là đền Pô Nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.

Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp.

Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mai rùa) vừa xướng văn tế lễ. Còn các bà Bóng thì lo dâng rượu và múa mừng.

Người Mường gọi trâu về ăn Tết

Giống như nhiều dân tộc khác sống trên đất nước Việt Nam, phong tục đón Tết Nguyên đán được người Mường coi là một trong những lễ hội lớn của năm.

Tuy nhiên, trong ngày Tết, bên cạnh những phong tục truyền thông như gói bánh trưng, thờ cúng tổ tiên, người Mường còn có những điều khác biệt, mang đậm bản sắc riêng.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 3

Trong ngày Tết, người Mường thường gõ mõ gọi trâu về ăn Tết cùng. 

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.

Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời "những người bạn đồng hành" này về ăn Tết với gia đình về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người Dao với phong tục Tết nhảy

Người Dao ở Việt Bắc thường sắm Tết hoành tráng bằng những câu đối dán lên cột nhà, trên vách tường, những món ăn mang đậm truyền thống của dân tộc họ. Đặc biệt, đồng bào người Dao cũng có quan niệm rằng những ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ để dành vui chơi, thăm viếng và chúc tụng nhau. 

Với quan niệm ngày Tết, mùa xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành nên ở các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết Nhảy để thể hiện hết những mong ước trên.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 4

Tết nhảy của người Dao.

Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước.

Những người tham gia Tết nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết nhảy mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã sức xuân.

Người Lô Lô đánh thức gia súc cùng đón Tết 

Phong tục đón Tết của người dân tộc Lô Lô rất đơn giản, không quá ồn ào nhưng lại có nét riêng thú vị. bắt đầu từ ngày 28-29 tháng Chạp, tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đi đổ rác tại các ngã ba và ngã tư.

Họ tin rằng, khi làm vậy sẽ loại bỏ được những điều không may mắn, không như mong muốn trong năm cũ và chào đón một năm mới với nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.

Chiều 30 Tết, người Lô Lô sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm đầm ấm. Người làm chủ gia đình sẽ tổ chức lễ cúng cầu mong sức khỏe, may mắn cho các thành viên trong gia đình và mời "linh hồn" người đã khuất về sum họp.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 5

Người Lô Lô sẽ đánh thức gia súc cùng đón năm mới vào đêm giao thừa 

Khi tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong đêm giao thừa chủ các hộ gia đình người Lô Lô sẽ cử một thành viên trong nhà đi đánh thức đàn gia súc để chúng cùng được đón Tết với cả nhà. Cũng tại thời điểm này một lễ cúng trang trọng sẽ diễn ra, đàn ông được cúng bằng gà trống, đàn bà được cúng bằng gà mái để cầu sức khỏe và tiền tài cho cả nhà trong năm mới.

Trong gia đình sẽ có một thành viên được chọn để đi gánh nước, những người khác sẽ đi cho gia súc ăn. Người Lô Lô tin rằng, những âm thanh của gia súc sẽ góp phần khiến không khí đón năm mới tại đây thêm náo nhiệt và rộn rã.

Người Hà Nhì xem bói gan lợn

Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền Việt Nam. Người dân tộc Hà Nhì không có ngày ăn Tết cụ thể như những dân tộc khác, thay vào đó, những vị già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng.

Những người đứng đầu sẽ phải căn cứ vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu, mùa màng cũng như điều kiện kinh tế của dân làng để lựa chọn một ngày cụ thể phù hợp đảm bảo được tất cả các điều kiện trên.

Người Hà Nhì có nhiều phong tục thú vị, thể hiện rõ nét những đặc trưng không thể trộn lẫn với những phong tục của những dân tộc khác. Ngoài tục xem bói gan lợn, người Hà Nhì còn phải chuẩn bị những chiếc bánh riêng để tiến hành cũng bái tổ tiên của nhà mình.

Những phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam - 6

Người Hà Nhì xem bói gan lợn thiến.

Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới.

Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg. Khi mổ lợn ăn Tết lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết.

Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. 

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn