Những tân sinh viên đầu tắt mặt tối gom tiền cho hành trang vào đại học bằng đủ thứ nghề từ tăng ca trong nhà máy đến đan lồng đèn trung thu.
Trong khi trên khắp cả nước rất nhiều bạn trẻ nô nức chuẩn bị bước vào giảng đường, thì ở vùng rừng núi Tây Bắc có những tân sinh viên đang hối hả làm việc để gom góp tiền cho hành trang vào đại học.
Bạn thì đầu tắt mặt tối ngoài đường với đủ thứ “nghề”, bạn lại tất bật tăng ca trong nhà máy...
Bích Hoàn làm thêm đủ việc để xoay xở kiếm tiền ăn học. Bích Hoàn đan đèn lồng bán cho trẻ em trong khu dịp trung thu này |
Quê tận huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) nhưng vì gia cảnh khó khăn, học hết lớp 9 Nguyễn Thị Bích Hoàn phải theo chị gái lặn lội lên tận Sơn La trọ học. Trong khi chị đang là sinh viên Trường đại học Tây Bắc thì Hoàn cũng thi đỗ vào Trường phổ thông chuyên của tỉnh Sơn La.
Trong căn phòng trọ tồi tàn ở P.Chiềng Sinh (TP Sơn La), hai chị em Hoàn nương tựa vào nhau cùng thực hiện ước mơ học hành. Thế nhưng khi chưa qua năm đầu tiên trường phổ thông, khó khăn chất chồng thêm khi bố Hoàn qua đời vì bệnh ung thư. Trụ cột gia đình mất đi, tất cả gánh nặng dồn vào người mẹ già yếu với 5 sào ruộng bạc màu.
Anh trai cả, chị gái thứ hai nghỉ học rồi lập gia đình, lao vào mưu sinh ở vùng quê nghèo. Con đường học hành của hai chị em Hoàn có lúc tưởng phải dừng lại vì quá khó khăn, thế nhưng bằng nghị lực cả hai đã gượng dậy vượt qua để tiếp tục.
Ra trường, chị gái Hoàn lấy chồng rồi xin vào dạy ở trường cấp III tại huyện Mai Sơn, cách chỗ trọ gần 15km. Còn Hoàn dù bị bệnh viêm khớp thường xuyên hành hạ, nhưng cô bé vẫn một buổi đến lớp, buổi còn lại xoay xở với đủ việc để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống.
Ngoài nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa phụ giúp chị gái, Hoàn còn chăm đàn gà, thu gom ve chai. Mùa hè cứ tối đến hai chị em lại bày mấy bộ bàn ghế nhựa bán trà đá, nước me giải khát. Mùa thu Hoàn mua tre về tự tay chặt chẻ rồi đan đèn lồng bán cho trẻ em trong khu. Mùa đông Hoàn mua len về móc thành những chiếc tất, mũ, chiếc khăn đem bán cho bạn bè trong lớp, thậm chí là bán rong trên những chuyến xe buýt tới trường.
Trước cửa căn nhà trọ tuềnh toàng Hoàn còn treo biển nhận sửa quần áo, sau khi được người quen tặng chiếc máy khâu cũ kỹ. Thậm chí cô bạn còn mày mò học lỏm, thỉnh thoảng nhận “show” trang điểm cô dâu, tết hoa cưới thuê cho các cửa hàng trên phố để kiếm thêm chút đỉnh.
Bao nhiêu nỗ lực của Hoàn đã được đền đáp khi mới đây Hoàn thi đỗ khoa kế toán Trường đại học Tây Bắc. “Đã cố gắng vượt qua được ba năm học phổ thông rồi, trước mắt còn bốn năm với đầy khó khăn nữa, dù khó, dù khổ nhưng em sẽ cố gắng vượt qua” - chia tay chúng tôi, Hoàn nói với giọng đầy quyết tâm.
Tranh thủ làm... công nhân
Mấy tuần nay cô công nhân nghèo Bùi Thị Hồng Vị (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) tất bật tăng ca trong Nhà máy Sankoh để kiếm đủ tiền nhập học. Vài ngày trước, biết tin cô bé nhà nghèo mồ côi mẹ đỗ đại học, cả làng Rậm tấp nập kéo đến nhà Vị để hỏi thăm, chúc mừng. Vị là người duy nhất trong làng đỗ đại học - Học viện Hành chính quốc gia với số điểm 23,5.
Năm 2006, sau khi Nhà nước hỗ trợ xây ngôi nhà ngói rộng chừng 32m2, nhà Vị được xét vào diện “thoát nghèo”. Nhà năm miệng ăn quanh năm chỉ trông vào 3 sào ruộng vừa cấy lúa vừa trồng ngô. Hết mùa làm nương, bố mẹ Vị lại ra Hà Nội làm mướn qua ngày để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Trưa nắng, Hồng Vị ra bờ ruộng trong làng bắt cua kiếm thêm thu nhập |
Ngoài thời gian đi học, ở nhà Vị tranh thủ trồng rau, nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Hằng ngày, Vị dậy từ 5g sáng nấu cám cho heo và hái rau muống mang ra chợ nhờ người quen bán hộ. Buổi chiều, Vị ra đồng mò cua bắt ốc. Bữa nào nghỉ học cả ngày Vị đi bắt được nhiều cua, bán cũng chỉ được 20.000 đồng. Vị bảo:
“Số tiền đó em để đóng học phí và chi tiêu hằng ngày. Anh đi làm chỉ đủ tiền trả nợ. Dầu ăn và nước mắm thi thoảng mới dám mua. Bữa cơm có rau muống luộc và mướp xào, hôm nào có đậu phụ ăn là ngon lắm rồi”.
Thầy Lê Đăng Đồng, giáo viên chủ nhiệm của Vị ở Trường THPT Quyết Thắng, cho biết: “Không có tiền đóng học phí, mấy lần Vị đã từng nghỉ học. Có những ngày không thấy Vị đến trường, tôi đến nhà hỏi thì bố Vị nói em đang đi cấy lúa.
Ở lớp, Vị là học sinh ngoan và xuất sắc, suốt 12 năm học thành tích học của Vị luôn đứng đầu. Lớp 11, 12 Vị đạt học sinh giỏi nhì tỉnh môn địa lý. Biết Vị có nghị lực vươn lên, nhà trường đã tạo điều kiện và miễn toàn bộ tiền học thêm cho Vị để em tiếp tục được theo đuổi ước mơ”.
Nhà nghèo, tốt nghiệp xong Vị làm hồ sơ dự thi vào Học viện Hành chính quốc gia, nhưng bố và anh trai băn khoăn vì “trong nhà chỉ còn mấy chục nghìn lấy đâu ra tiền đi thi đại học”. Trước ngày đi thi, anh trai Vị mang giấu hết sách vở và quần áo để em ở nhà. “Lúc đó em chỉ biết ngồi khóc và năn nỉ anh cho đi thi. Em có bảo với bố và anh là nhà không có ruộng, chỉ có đi học mới giúp được nhà mình thoát nghèo nhưng không ai đồng ý” - Vị rưng rưng.
Ông Bùi Văn Rét, bố Vị, ngập ngừng: “Mấy ngày liền nó khóc suốt cũng chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Nó bảo nếu đỗ đại học thì nó cũng ở nhà, chỉ cần cho nó đi thi thôi. Thương nó lắm nên tôi đã đồng ý. Thằng anh thì đi vay tiền hàng xóm được 1 triệu đồng, còn lại nó tự vay mượn bạn bè rồi đi theo bạn xuống Hà Nội”.
Thi đại học xong, về quê Vị xin vào làm công nhân ở Nhà máy Sankoh để kiếm tiền trả nợ. Cả tiền lương và tiền thưởng là 1,5 triệu đồng. Hơn một tháng nay, ngày nào Vị cũng hai lượt đạp xe qua con đường dài 6km gập ghềnh tới công ty. Những buổi làm đêm, 4g sáng tan ca Vị đạp xe ra ruộng hái rau để kịp sáng mang ra chợ bán.
Ngày bạn bè đến trường nhập học, Vị xin nghỉ ở nhà để đi làm tăng ca. Vị bảo: “Em sẽ đi làm tăng ca để có đủ tiền nhập học, tiền nợ bạn bè em sẽ khất trả sau. Hết học kỳ đầu mà không đủ tiền đi học, em sẽ xin bảo lưu kết quả rồi đi làm công nhân để năm sau được đi học tiếp”.
Theo TTO
Bình luận