Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt dự án biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp, dài hơi như Không gian âm nhạc, Tiêu điểm âm nhạc, Câu chuyện âm nhạc, Cửa sổ âm nhạc… đã mang lại những nốt nhạc tươi vui cho thị trường nhạc Việt - đang dần hướng tới sự chuyên nghiệp và được công chúng nhiệt tình đón nhận. Sóng truyền hình ngập tràn những chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp và mời gọi khán giả thưởng thức “free”.
Báo giới không ngớt kêu ca về chất lượng ngày càng đi xuống của những liveshow “thừa chiêu trò nhưng thiếu lửa nghệ thuật, thừa phần nhìn nhưng thiếu hụt phần nghe”. Và trong bức tranh toàn cảnh với gam màu chủ đạo buồn bã ấy, việc số đông khán giả chịu mở hầu bao mua vé, mà toàn vé tiền triệu là nguồn cổ vũ lớn lao cho những nghệ sĩ tâm huyết cùng các dự án đường dài nghiêm túc, đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu.
Ca sĩ Bằng Kiều
Sau hơn mười năm xa xứ, sự trở lại của giọng ca hải ngoại Bằng Kiều cuối tháng 10/2012 đã tạo nên một cơn sốt vé đáng ngạc nhiên. Một chiếc vé hạng VIP có giá gốc 3,5 – 4 triệu đồng đã được “dân phe” đẩy lên gần gấp đôi, 6 – 7,5 triệu (lần lượt tại hai địa điểm tổ chức Hà Nội và TP.HCM). Ðiều đáng nói là mức giá cao ngất ngưởng ấy vẫn không ngăn khán giả ngồi chật khán phòng mấy nghìn chỗ của Trung tâm Hội nghị Quốc gia lẫn Trung tâm ca nhạc Lan Anh.
Ðược thực hiện bởi một ê kíp tên tuổi (Ðạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, giám đốc sản xuất Hồ Hoài Anh, giám đốc âm nhạc Hoài Sa – Vũ Quang Trung), lại có sự góp mặt của hai diva Hồng Nhung – Mỹ Linh cùng giọng ca hải ngoại Minh Tuyết, Bằng Kiều in concert 2012 cũng là buổi ra mắt cho chuỗi chương trình Hoà nhạc Việt Nam (Vietnam Concert) sẽ được tổ chức liên tục trong thời gian tới. Tiêu chí mà nhà sản xuất hướng tới chính là “những chương trình nghệ thuật âm nhạc chất lượng cao, tôn vinh những nghệ sĩ – ca sĩ của Việt Nam, đưa tác phẩm của họ đến với đông đảo khán giả mọi lứa tuổi”.
Nối tiếp ngay sau đó, trong hai đêm của tháng 11/2012, nhạc sĩ Dương Thụ đem tới cho khán giả Thủ đô một live – concert mang tựa đề Dương Thụ – Những câu chuyện kể của tôi. Ðây cũng là chương trình mở màn cho dự án Cửa sổ âm nhạc mà ông là “người cầm trịch”, dự kiến sẽ bắt đầu bằng việc tái hiện hồi ức của “bộ tứ sông Hồng”(gồm bốn “cây đại thụ” Dương Thụ - Nguyễn Cường – Phó Ðức Phương – Trần Tiến). Cửa sổ âm nhạc ra đời với mong muốn tôn vinh tác giả - tác phẩm, thông qua các sáng tác tiêu biểu và được dẫn dắt bởi chính những ca sĩ tham gia trình diễn.
Thanh Lam - Quốc Trung trong Chương trình Không gian âm nhạc số 6
Công chúng phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ (từ 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng một vé) để được nghe câu chuyện kể của người nhạc sĩ, với sự đầu tư kỹ lưỡng, cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ. Nhưng đổi lại, khán giả sẽ thấy “tiền nào của ấy”, khi có cơ hội thưởng thức trực tiếp tài năng của những nghệ sĩ nổi tiếng (như đạo diễn sân khấu Việt Tú, dàn dựng âm nhạc Anh Quân – Quốc Trung – Bảo Chấn – Huy Tuấn, bộ ba diva Lam – Linh – Nhung, ban nhạc Anh Em cùng Dàn nhạc Học viện âm nhạc quốc gia).
Cũng vào những ngày cuối tháng 10/2012, công chúng yêu nhạc Thủ đô đã đón nhận một sân chơi nghệ thuật mới mang tên Câu chuyện của tôi. Tuy ở quy mô nhỏ hơn, giá vé cũng bình dân hơn (từ năm trăm tới một triệu đồng) nên phù hợp với nhiều đối tượng người thưởng thức nhưng lực hút lớn nhất mà nhà sản xuất Kiên Quyết Studio (gồm hai anh em Phan Kiên – Phan Cường) kỳ vọng nằm ở con đường đi riêng biệt, không “đụng hàng” mà họ chọn theo đuổi. “Phần lớn các chương trình hiện nay đều dành vị trí trung tâm cho nghệ sĩ nổi tiếng, đang ăn khách.
Những người trẻ rất ít cơ hội được giới thiệu cá tính âm nhạc của mình. Câu chuyện âm nhạc muốn khán giả có được hình dung trọn vẹn về một nghệ sĩ trẻ nhưng rất giàu tiềm năng”. Chất lượng âm thanh được ưu tiên hàng đầu (chủ yếu theo phong cách acoustic), mọi chiêu trò bóng bẩy của sân khấu được tiết giảm tối đa, chương trình ra mắt mới đây của ca sĩ – nhạc sĩ Tạ Quang Thắng Như chưa từng yêu được dư luận đánh giá có “một thực đơn âm nhạc cá tính, có chiều sâu nhất định song vẫn cởi mở, hồn nhiên và hấp dẫn”.
Trước đó, công chúng yêu nhạc từng hồ hởi đón nhận Tâm điểm âm nhạc (In the spotlight) – sản phẩm chất lượng cao và hướng tới những tên tuổi ca sĩ lớn của nhà sản xuất Trần Thanh Tùng và Công ty Mỹ Thanh. Không gian biểu diễn rộng lớn hơn, khán giả đông đảo hơn và vì thế, giá vé cũng mềm mại hơn đôi chút (từ 500 nghìn tới 2,5 triệu đồng), Tiêu điểm âm nhạc đã nhanh chóng trở thành thương hiệu hàng đầu của thị trường nhạc Việt, chỉ sau sáu liveshow quy mô hoành tráng (Tuấn Ngọc – Riêng một góc trời, Mỹ Linh – Và em vẫn hát, Trần Tiến – Như chờ từng giấc mơ, Hồng Nhung – Có phải em mùa thu Hà Nội), Trịnh Công Sơn – Gọi tên bốn mùa và mới nhất là Thanh Tùng – Chuyện tình của biển.
Ca sĩ Khánh Ly
"Chúng tôi bắt đầu có ý tưởng làm chương trình In The Spotlight sau cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Hồng Kiên và mời anh về làm Giám đốc nghệ thuật. Khi bắt tay vào, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là làm một chương trình tử tế, ca sĩ phải hát thật với dàn nhạc trên những bản phối được đầu tư công phu. Còn từ trước tới nay, rất nhiều chương trình làm theo kiểu ca sĩ hát trên một nền nhạc đã được thu đĩa trước, có nhiều trường hợp chỉ ra nhép miệng. Ðiều này thực sự không công bằng với khán giả" – nhà sản xuất Trần Thanh Tùng đã chia sẻ với báo giới mới đây. Cũng nhờ hiệu ứng lan toả với số đông công chúng yêu nhạc đích thực, Tâm điểm âm nhạc cũng đã cùng với Giai điệu trẻ, Luala Concert Thu Ðông, Rock Storm 2012 vinh dự đứng trong hạng mục đề cử Chương trình của năm, nằm trong giải thưởng âm nhạc Cống hiến được đánh giá là uy tín nhất hiện nay.
Và không thể quên ấn tượng mà Không gian âm nhạc đã để lại cho công chúng trong suốt năm 2011, cho dù hiện tại dự án này đang phải tạm dừng để tìm kiếm một “mạnh thường quân” mới. Ra đời vào thời điểm showbiz Việt đang có dấu hiệu bão hoà, Không gian âm nhạc từng được báo giới khen tặng là “một chương trình hoàn hảo từ sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn tới khán giả”. Khán phòng Nguỵ Như Kon Tum là một không gian nhỏ với 274 chỗ ngồi. Nó thực sự lý tưởng với một buổi diễn theo phong cách unplugged (không sử dụng thiết bị tăng âm của nhạc cụ điện tử).
Và trong suốt tám số, lượng vé bán ra đều được người hâm mộ “săn lùng” hết sạch, thậm chí trước thời điểm chương trình diễn ra tới một hai tháng. Khôn ngoan kết hợp từng cặp nghệ sĩ đầy cá tính và đa sắc màu như Tùng Dương & Lê Cát Trọng Lý, Thanh Lam & Quốc Trung, Thu Minh & Anh Khoa, Hà Trần & ban nhạc Ngũ Cung… Giám đốc sản xuất – đạo diễn Việt Tú đã chứng tỏ cả bản lĩnh nghệ thuật sắc sảo cùng khả năng kinh doanh biểu diễn nhạy bén của mình.
Hà Trần trong Thanh Tùng - Chuyện tình của biển
Ðầu tháng 5/2013 cũng là thời điểm Cầm tay mùa hè, dự án âm nhạc thường niên đã sang tới năm thứ ba của nhạc sĩ Quốc Trung diễn ra, với ca sĩ Thanh Lam là một trong hai nhân vật chính, giữ vai trò xuyên suốt. Khởi đầu khá suôn sẻ với lần cầm tay đầu tiên – năm 2011 của diva Thanh Lam và Idol Uyên Linh, Cầm tay mùa hè 2012 rồi 2013 sẽ là cuộc đồng hành của hai diva, Thanh Lam – Mỹ Linh và Thanh Lam – Hà Trần.
Cuộc hội ngộ rất hiếm hoi của những cá tính âm nhạc mạnh mẽ, riêng biệt được thể hiện thông qua ý tưởng và concept ấn tượng là những gì mà nhạc sĩ Quốc Trung muốn “đóng” con dấu chất lượng cho chương trình này. Giá vé - từ 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng – tuy khá cao nhưng vẫn đủ sức níu kéo số đông khán giả trung thành chấp nhận đồng hành cùng Cầm tay mùa hè. Một năm chỉ có một liveshow, được diễn ra chỉ hai đêm, hiện đây cũng là chương trình đẳng cấp được khán giả Thủ đô mong đợi mỗi khi hè về.
Vài ba năm trở về trước, sóng truyền hình trung ương lẫn địa phương luôn tràn ngập những chương trình ca nhạc miễn phí được truyền hình trực tiếp, những trò chơi truyền hình thực tế kiếm tìm tài năng âm nhạc nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Trong một thị trường biểu diễn dư thừa những show diễn tạp kỹ (mà vũ đạo, chiêu trò sân khấu cùng đĩa lip – sync lấn át chất lượng giọng ca), khá nhiều tên tuổi của làng nhạc Việt cũng chỉ dám “liều mình” bỏ tiền làm liveshow với mục đích đánh dấu cái mốc quan trọng nào đó trong sự nghiệp ca hát của mình chứ chẳng dám mơ tới hoà vốn, nói gì tới có lãi.
Uyên Linh và Hà Trần trong In the spotlight 6
Tiền tỉ một đi không trở lại, một hai chương trình không có nhà tài trợ là đủ sạt nghiệp. Vậy mà giờ đây, mong ước làm liveshow bán được vé, lại còn vé tiền triệu đã trở thành sự thực. Công chúng - mặc những khó khăn, suy thoái chung của nền kinh tế - đã dần hình thành thói quen mua vé giá cao để thưởng thức những chương trình chất lượng tương xứng, theo đúng nghĩa “tiền nào của ấy”.
Một tín hiệu rất vui, khi không cần trông chờ vào nhà tài trợ, những Tâm điểm âm nhạc, Câu chuyện âm nhạc, Cửa sổ âm nhạc và Hoà nhạc Việt Nam đều chọn cách đặt cược ở chất lượng để thu hút và lôi kéo khán giả đồng hành trên một quãng đường dài. Không ai dám nói trước điều gì nhưng việc các nhà sản xuất dám liều mình “tự bơi” cho một cuộc chơi đẳng cấp, dài hơi và vô cùng nghiêm túc cho thấy những tín hiệu lạc quan của một sân khấu nhạc Việt “không phụ thuộc”.
Với đạo diễn Việt Tú, “chủ xị” của Không gian âm nhạc: “Tạo ra được một thị trường âm nhạc đích thực là hình thành một thế giới văn minh, nơi người ta bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa. Nghệ sĩ có lòng tin rằng làm tử tế thì sẽ được trả công xứng đáng. Họ sẽ bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền, dành năng lượng tập trung vào việc sáng tạo ra những dự án nghệ thuật chất lượng cho xã hội. Tôi muốn tạo ra vòng tròn rất đỗi lô–gic ấy ở Việt Nam”.
Bằng Cửa sổ âm nhạc, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ: “Khán giả ngày nay có văn hoá, tri thức, có đủ điều kiện vật chất để mong muốn được hưởng thụ những sản phẩm âm nhạc thực sự. Ðó là điều mà người nghệ sĩ cần phải suy nghĩ và tìm cách đáp ứng”. Còn với nhạc sĩ Quốc Trung : “Nhạc Việt đang bán được vé giá cao, đó là điều đáng mừng. Hi vọng đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ dần đi vào chuyên nghiệp và tiến tới một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, khi mà những sản phẩm có giá trị được đón nhận, cổ vũ, được trọng thị và được tôn vinh”.
Bảo Ngọc
Bình luận