Siết chặt quy trình đăng kiểm đang là đề tài khá sôi nổi trên các diễn đàn, hội nhóm ôtô. Những xe muốn đạt tiêu chuẩn kiểm định của cơ quan đăng kiểm đều phải về "zin", đồng nghĩa với việc những nâng cấp trên xe buộc phải gỡ xuống.
Vấn đề này gây không ít tranh cãi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Một bên cho rằng nâng cấp giúp đáp ứng nhu cầu bản thân, phía còn lại cho rằng những thay đổi gây mất an toàn cho phương tiện và những người xung quanh.
Hệ thống chiếu sáng
Trong vài năm trở lại đây, cụm đèn trên ôtô thường được thiết kế đẹp mắt, sử dụng công nghệ mới và mang hiệu ứng thị giác ấn tượng vào ban đêm. Tuy nhiên khả năng chiếu sáng của nhiều cụm đèn tiêu chuẩn đi theo xe lại khá yếu, đặc biệt khi người dùng cần đi xa trong đêm, những nơi không có đèn đường, hay trên đường đèo dốc, sương mù.
Những chiếc xe có đèn chính nguyên bản dùng bóng halogen thường được chủ phương tiện nâng cấp lên bóng LED hoặc Bi-LED. So với bóng halogen, những loại bóng nâng cấp cho cường độ chiếu sáng tốt hơn và tuổi thọ cũng dài hơn.
Anh Thế Tâm (người dùng ôtô tại Bình Dương) cho biết xe anh đã nâng cấp đèn Bi-LED do nhu cầu di chuyển vào ban đêm khá nhiều, đoạn đường anh đi cũng không có đèn đường. "Xe tôi nguyên bản trang bị bóng halogen, khi đi buổi tối không khác gì cầm đèn dầu chạy trong đêm", anh Tâm nói.
Anh Quý Trần (người dùng ôtô tại Tân Bình) cũng đồng tình với anh Tâm trong quan điểm nâng cấp đèn halogen lên loại tốt hơn. "Nâng cấp đèn cho đủ sáng là nhu cầu chính yếu. Xe độ đèn hay không độ nếu bật pha trong đô thị hay có xe ngược chiều đều là sai, đều gây nguy hiểm", anh nói.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người dùng cũng phản bác việc nâng cấp đèn không được cục đăng kiểm phê duyệt gây mất an toàn giao thông.
Tài khoản Pham Thanh Ba trên Facebook bình luận: "Nhà sản xuất đã tính toán kỹ càng rồi, đèn không đủ cường độ sáng thì làm sao được xuất xưởng". "LED hay Bi-LED đều gây chói mắt, khi lắp cũng làm thủ công nên không thể nào chuẩn được đèn lắp từ nhà máy ra", người dùng Tu Lanh chia sẻ.
Chị Hoàng Ngọc, chủ xe VinFast Fadil, nhận định việc nâng cấp đèn là điều không cần thiết, ngoài ra còn khiến cho phương tiện không thể đăng kiểm. "Xe tôi dùng bóng halogen hơn 2 năm vẫn không có vấn đề gì, đoạn đường nào quá tối thì tôi chạy chậm lại cho an toàn. Nâng cấp đèn vừa tốn chi phí lại không thể đăng kiểm", chị Ngọc nói.
Bệ bước chân
Món phụ kiện này khá phổ biến trên các dòng xe MPV hay SUV. Lắp thêm bệ bước chân giúp người dùng lên xuống xe dễ dàng hơn, đặc biệt là các dòng xe gầm cao. Tuy nhiên lắp thêm trang bị này có thể khiến phương tiện không đạt tiêu chuẩn kiểm định do thay đổi thiết kế so với xe nguyên bản.
Bệ bước chân lắp rời thường được bán với 2 tùy chọn là cố định và có thể gập điện. Loại cố định có cấu tạo đơn giản và chi phí lắp đặt thấp hơn loại gập điện. Chi phí cho một bộ bệ bước chân từ 2,5 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng.
Chia sẻ với Zing, chủ một garage giấu tên tại TP.HCM, cho biết nhu cầu lắp đặt bệ bước chân trên các mẫu SUV khá nhiều nhờ tính tiện lợi, hỗ trợ hành khách lên xuống xe dễ dàng.
"Tôi nghĩ trang bị này giúp tăng sự thoải mái cho người dùng và cũng không ảnh hưởng đến an toàn khi lưu thông thì không nên gây khó dễ trong việc đăng kiểm, tại sao những chiếc xe đắt tiền được trang bị sẵn thì được đăng kiểm, trong khi xe khác lắp thêm với thiết kế tương tự thì lại không được?", chủ garage bày tỏ ý kiến.
Ngược với ý kiến trên, anh Phương (quận 4, TP.HCM) cho rằng những bộ phận gắn thêm trên xe không phải do nhà sản xuất thực hiện đều tiềm ẩn rủi ro do không được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và phê duyệt. Trường hợp xảy ra sự cố khi di chuyển, không chỉ chủ phương tiện bị ảnh hưởng mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Nhiều mẫu xe dù có dáng SUV nhưng cũng không quá cao tới mức phải sử dụng bệ bước chân. Ngoài ra việc nâng cấp thêm trang bị này cũng có thể khiến xe ồn hơn và những sai sót khi độ chế có thể tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng.
Mặt ca-lăng
Thay thế mặt ca-lăng (lưới tản nhiệt) nguyên bản thành loại mới đẹp hơn hay nâng cấp mặt ca-lăng của xe phiên bản mới là điều khá phổ biến trong giới chơi xe. Hầu hết mặt ca-lăng thay thế đều được thiết kế các ngàm gắn như nguyên bản, người dùng chỉ cần tháo lắp đơn giản.
Dù không chỉnh sửa hay thay đổi ngàm trên xe, nâng cấp mặt ca-lăng có thể khiến cho chủ xe gặp rắc rối khi mang xe đi đăng kiểm. Đã có không ít trường hợp chủ phương tiện được trung tâm kiểm định yêu cầu thay lại mặt ca-lăng nguyên bản nếu muốn đăng kiểm.
Vấn đề này cũng tạo ra 2 luồng ý kiến. Một bên cho rằng mặt ca-lăng không ảnh hưởng đến an toàn của xe nên không cần quá cứng nhắc trong việc giữ "zin", ngược lại cho rằng thiết kế khu vực này tác động không ít đến hệ thống làm mát động cơ.
"Thay mặt ca-lăng mới với ngàm gắn giống nguyên bản cũng không được đăng kiểm là điều khá vô lý, chi tiết này cũng đâu ảnh hưởng đến kích thước tổng thể của xe. Trường hợp những xe đời quá cũ không còn phụ tùng theo xe, nếu lỡ hư mặt ca-lăng thì phải làm thế nào để được đăng kiểm nếu cứ yêu cầu thiết kế giống nguyên bản", anh Hoàng Quốc Dũng (Đồng Nai) chia sẻ.
Khác với anh Quốc Dũng, người dùng Facebook có tên Trúc Phương cho rằng mặt ca-lăng nâng cấp có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mát động cơ. Ngoài ra việc lắp đặt thủ công bởi các cửa hàng bên ngoài cũng không đảm bảo được tính chính xác. Việc tháo lắp mặt ca-lăng có thể làm gẫy các ngàm gắn, hoặc các ngàm gắn không nguyên bản có thể không chắc chắn và tạo tiếng ồn khi sử dụng xe, thậm chí rơi ra khi sử dụng, gây mất an toàn.
Nhìn chung đăng kiểm giống như bảo hành chính hãng, người dùng khi nâng cấp, độ chế cần tìm hiểu thông tin cũng như cân nhắc kỹ để tránh các rắc rối về sau.
Bình luận