Những kiểu người tuyệt đối không nên cho vay tiền?

Giới trẻThứ Hai, 16/05/2022 06:52:17 +07:00
(VTC News) -

Cho những kiểu người này vay tiền, bạn chẳng những mất tiền, mất tình cảm mà còn có thể rước họa vào thân.

Người ta thường nói, hãy thử mượn tiền để biết được lòng người, trả tiền để thấu được nhân phẩm. Vấn đề mượn và trả tiền đôi khi cũng là một nghệ thuật sống, bởi tiền bạc chính là mồ hôi công sức của ta làm nên, cho người mượn rồi không trả sẽ rất sợ, nhưng không cho có khi lại mất lòng.

Bởi thế ta nên biết nhìn người mà cho mượn, vì những kiểu người sau đây nếu cho mượn sẽ chỉ thêm thiệt thân.

Người thân có tính cách không đáng tin

Khi chúng ta cho vay tiền, nhất là cho người thân vay thì hãy suy nghĩ cẩn thận. Vì cảm giác phải đi đòi lại số tiền đã cho người thân vay lâu ngày không trả thực sự rất khó chịu.

Nhiều người thường nghĩ người thân dù gì cũng có chút máu mủ, tiền sẽ không mất được nên đôi khi lại quá dễ dãi cho vay mà không tính toán xa gần. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mọi thứ không hoàn toàn là như vậy.

Những kiểu người tuyệt đối không nên cho vay tiền? - 1

Không nên cho người thân có tính cách xấu vay tiền. 

Trước hết phải hiểu hoàn cảnh và tính cách của người đó ra sao thì mới quyết định cho vay hay không. Hãy nghĩ đơn giản rằng, nếu cho người thân vay tiền nhưng sau đó họ lại không muốn trả thì việc đòi lại có dễ dàng không, nhất là những người vốn dĩ có những thói hư tật xấu như lười biếng, tham lam, ỷ lại, lợi dụng... Những người bạn đã biết có tính cách như vậy thì càng không nên dính dáng chuyện bạc tiền, bởi nếu cho mượn thì đôi khi tiền mất mà tình cảm máu mủ ruột rà cũng sứt mẻ theo.

Người có tài chính và thu nhập không ổn định

Trước khi cho vay tiền, bạn cần phải hiểu được hoàn cảnh của đối phương. Với người có thu nhập ổn định, có khả năng sẽ trả thì không khó khăn gì nhưng với người không có đủ tài chính, thậm chí muốn trả nhưng không thể trả nổi thì bạn cần xem xét thêm nhiều yếu tố. 

Năng lực của họ chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt thường ngày, phải đi vay mượn một số tiền đáng kể vì lý do riêng chẳng hạn như mua nhà, mua xe, làm đám cưới cho con cái… Dù họ có ký cam kết trả nợ với lãi suất cao đến mấy đi nữa thì cũng rất khó có đủ khả năng chi trả lại món nợ này.

Chính vì thế, nếu bạn có thừa khả năng thì coi như giúp đỡ, biếu tặng họ số tiền đó trong lúc khốn khó. Còn nếu không, tốt nhất bạn không nên sĩ diện mà cắn răng cho vay.

Người không có ý định trả nợ

Kiểu người này thì chắc chắn ai cũng muốn tránh xa ngàn dặm. Nhưng vấn đề là làm sao để ta biết một người đang định vay tiền ta có thuộc tuýp người này hay không.

Trước hết, hãy thử dò hỏi vài vấn đề liên quan đến chuyện vay tiền của họ, quan điểm của người đó về tiền và vấn đề vay mượn. Hay để chính xác hơn ta nên tự đi điều tra, hỏi những người thân cận xem họ có từng có nợ nần xấu gì trong chuyện tiền nong không. 

Vốn dĩ có những người vẫn sống với cái logic vớ vẩn là "tiền đã mượn được thì làm sao phải trả". Những người này chính là những kẻ tham lam lợi dụng người khác khi có cơ hội và cũng không biết trân trọng thành quả lao động của người khác. Gặp những kiểu người này bạn nên tuyệt đối tránh xa, vì cho họ mượn tiền đôi khi lại mất luôn cả mối quan hệ, nặng hơn còn là kiện tụng, ẩu đả, ảnh hưởng cả danh dự của chính bạn.

Mượn số tiền nhỏ, nhưng mượn rất nhiều người

Có đôi khi, họ chỉ tìm đến bạn để vay mượn vài trăm ngàn, hoặc cùng lắm là 1-2 triệu đồng. Số tiền không lớn nên từ chối cũng ngại, bạn thường dễ dàng chấp nhận cho vay, dù đôi khi họ luôn trễ hẹn trả nợ.

Những kiểu người tuyệt đối không nên cho vay tiền? - 2

Tích tiểu thành đại, người vay nhiều thường không đáng tin.

Tuy nhiên, nếu phát hiện người này đồng thời mượn số tiền này từ rất nhiều người khác thì rủi ro dành cho việc không trả nợ đúng hạn là cao và có khi bạn sẽ bị quỵt nợ. Bạn không thể biết rằng, họ có cầm tiền của bạn để trả nợ cho những người họ đã vay trước đó hay không. Và cũng khó có thể kiểm soát rằng liệu họ đã trả hết cho những người kia chưa, biết họ có đang ôm nợ quá nhiều hay không mà cho mượn thêm.

Người xa lạ 

Cho người quen vay tiền đã khó, cho người ngoài không quen không biết vay tiền còn rủi ro hơn. Đôi khi để vay được tiền họ sẽ không ngại hứa hẹn những lợi ích khổng lồ hay lãi suất cao dành cho bạn sau khi trả nợ, nhưng bạn nên nhớ rằng quy luật của đầu tư là lợi nhuận càng cao rủi ro cũng sẽ càng cao.

Nếu như người xa lạ đó lại là bạn bè hay người quen của bạn thân hay người thân của bạn, mà người thân bạn lại làm người bảo lãnh thì sao. Lời khuyên trong trường hợp này là cũng không nên cho vay. Bởi nếu như người lạ kia trở mặt, mối quan hệ của bạn và người thân cũng sẽ gặp vấn đề, lúc đó bạn không thể bắt người thân trả nợ thay người kia, mà cũng không thể lấy lại được số tiền.

Bạn lâu ngày bỗng dưng xuất hiện để vay tiền

Người bạn này vốn đã lâu không liên lạc với bạn, nay bỗng xuất hiện và muốn vay tiền, chắc chắn bạn nên đặt một dấu chấm hỏi to tướng rằng "Tại sao họ lại chọn ta làm đối tượng mượn tiền?". Bởi nếu đã một thời gian dài không liên lạc, chẳng ai lại đủ can đảm đi mượn tiền, trừ khi có gì lý do gì ở phía sau.

Dù trong trí nhớ của bạn người đó cách đây nhiều năm là người tốt thì cũng đừng chủ quan. Vì bạn không hề biết bấy nhiêu năm không gặp, cuộc sống của họ thế nào. Mọi thứ đều vô thường kể cả tâm tính con người, bạn không rõ được bản chất hiện tại của họ, càng không rõ hành tung của họ, vậy khả năng tiền đưa đi không thể quay về là rất cao.

Người dính vào tệ nạn, đạo đức, phẩm hạnh kém

Nếu biết được một người vướng vào các tệ nạn xấu, tính cách và đạo đức kém thì bạn không những không nên cho mượn tiền mà còn cần hạn chế qua lại với họ. Họ bản chất là những kẻ biết tranh thủ thời cơ, tận dụng rồi trục lợi cho bản thân, không đáng để tin tưởng. Cho dù họ có năn nỉ hay cầu xin, hoặc lấy tài sản ra để thế chấp thì cũng nên khéo léo từ chối yêu cầu vay mượn. Giao dịch hay trao đổi với kiểu người này rất dễ dính vào rắc rối.

Cho những người này mượn tiền, họ dùng ăn tiêu hết, nhưng đến khi cần trả lại thì viện đủ lý do để trì hoãn hoặc khiến bạn không thể tìm cách để đòi lại được. Nhưng bạn đâu biết đó chỉ là chiêu trò của họ và bạn vừa trở thành một nạn nhân mới. Vì vậy, với những người có biểu hiện như vậy tốt nhất là từ chối thẳng để tránh hệ luỵ về sau. 

Không cho vay tiền, làm sao để không mất lòng đôi bên?

Đồng tiền mà ta đổ mồ hôi công sức để làm ra không thể cứ cho không những người không xứng đáng. Nhưng nếu đó là người thân thiết mà bạn hiểu rõ, có thể tin tưởng thì đừng chần chừ giúp đỡ nếu bạn có khả năng.

Còn những người bạn đã khéo léo tỏ ý không muốn cho mượn nhưng họ cứ mãi "chai mặt", hai bên không thân thiết đến nỗi họ có thể tác động đến cuộc sống của bạn thì nên từ chối thẳng. Không nên mềm lòng rồi sau đó mới phát hiện ra mình vừa chơi "dại".

Với những người khá là gần gũi như đồng nghiệp thì sao? Không cho mượn thì khó nhìn mặt nhau trong công ty. Với họ, bạn nên gợi ý rằng mình đang gặp chút khó khăn tài chính, ví dụ vừa cho ai đó mượn hay gửi về cho ba mẹ có việc. Sau đó, bạn hãy gợi ý giúp họ một thứ gì đó khác chứ không phải là tiền. Ví dụ họ đang than thở vì thất nghiệp, bạn hãy gợi chuyện rằng bạn có thể tìm giúp họ một công việc khác, như vậy sẽ giúp hạn chế cảm giác thất vọng, mà họ cũng không trách được bạn.

Hạ Vy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn