• Zalo

Đức Phật dạy thế nào về bí quyết quản lý tiền bạc?

Sống đẹpThứ Hai, 04/04/2022 13:23:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cách đây gần 26 thế kỷ, Đức Phật đã dạy cho chúng ta một công thức vàng để quản lý tiền bạc mà mình kiếm được.

Quản lý tiền bạc luôn là vấn đề mọi người quan tâm. Hiện nay chúng ta thường tin theo, tán thưởng lý thuyết của các nhà kinh tế học phương Tây mà không biết rằng gần 2.600 năm trước, Đức Phật đã truyền dạy một công thức vàng.

Khi Đức Phật trú ngụ ở Vườn Sóc (Kalandakanivàpa, chỗ tìm ăn của loài sóc) tại Trúc Lâm (Veluvana) gần thành Vương Xá (Ràjagaha), ngài đã gặp chàng trai Sigàla và đã dạy cho anh bí quyết về quản lý tiền bạc như sau:

“Người trí hiền, đức hạnh
Sáng ngời như ánh lửa
Gầy dựng nên tài sản
Bằng nghiệp thiện, nghề lành.

Như con ong chăm chỉ
Tha mật về thành tổ
Của cải lúc càng nhiều
Như tổ kiến xây thành. 

Làm giàu theo cách này
Đúng cách người tại gia
Tiền của chia bốn phần
Được bạn bè khen ngợi. 

Một phần chi cá nhân
Hai phần việc làm ăn
Một phần dành tiết kiệm
Phòng bất trắc rủi ro”. 
(Kinh "Lời khuyên dạy Sigàla", bản dịch từ tiếng Anh của Lê Huy Kha).

Đức Phật dạy thế nào về bí quyết quản lý tiền bạc? - 1

Đức Phật dạy bí quyết quản lý tiền bạc rất rõ ràng, dễ hiểu trong bản kinh "Lời khuyên dạy Sigàla".

Trong đoạn kinh văn, Đức Phật dạy rất rõ ràng, đơn giản: Tiền bạc mà con người kiếm ra bằng cách lương thiện cần được chia làm 4 phần. Một phần được dùng cho chi tiêu cá nhân, tức là các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, trang phục, nhà cửa, học hành, chăm sóc sức khỏe, mua sắm phương tiện… Của cải làm ra, theo lời Đức Phật dạy, là để phục vụ các nhu cầu chính đáng trong cuộc sống con người, không nên keo kiệt, bủn xỉn. Nhu cầu chi tiêu cá nhân được Đức Phật rất coi trọng, nên ngài nêu lên ngay đầu tiên.

Khoản chi tiêu cho cuộc sống chỉ chiếm một phần tư, điều này phản ánh triết lý “thiểu dục, tri túc” (tức là giảm bớt ham muốn và biết đủ) của đạo Phật. Tiền bạc, của cải do con người làm ra không phải để thỏa mãn những thú vui sa đọa, khiến con người trở thành những kẻ thiếu đạo đức, nô lệ của vật chất.

Hai phần tiền làm ra cần được chi cho việc làm ăn, tức là tái đầu tư cho sản xuất, buôn bán để tiếp tục sinh lời - lời dạy này phản ánh tầm nhìn sâu xa, rộng lớn của Đức Phật: Phải đầu tư nhiều nhất để kinh tế cá nhân và xã hội ngày càng phát triển. Điều đó cũng rất phù hợp với kinh tế học hiện đại về tái đầu tư để phát triển thêm nhiều của cải cho xã hội. Tiền bạc kiếm được không phải để tiêu xài phung phí, nhưng cũng không được để đóng băng một chỗ mà cần tiếp tục luân chuyển thường xuyên giúp cho tiền đẻ ra tiền, bảo đảm tương lai lâu dài cho gia đình và giúp xã hội phát triển.

Một phần tư số tiền còn lại, Đức Phật dạy phải tiết kiệm để phòng khi ốm đau, hoạn nạn. Cuộc sống của bất kỳ ai trong chúng ta - dù giàu hay nghèo - vẫn ẩn chứa những bất trắc, vô thường (như ốm đau, hoạn nạn) trong thế giới luôn nhiều biến động - thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh… Vì thế, nếu không có một phần dành dụm thì khi gặp khó khăn, chúng ta sẽ càng khổ sở.

Đức Phật luôn khuyến khích mọi người dành ra một phần trong số tiền tiết kiệm để làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hay cúng dường cho các hoạt động Phật sự. Nói cách khác, chúng ta nên luôn có số dư trong “ngân hàng phúc đức”.

Hiện nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với hơn 25 thế kỷ trước, việc áp dụng quy tắc vàng chia tài sản làm ra thành 4 phần vẫn có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc. Vận dụng đúng đắn, linh hoạt lời dạy của Đức Phật trong việc quản lý tiền bạc, chúng ta sẽ có cuộc sống vật chất đầy đủ, cuộc sống tinh thần phong phú, là chủ nhân thực thụ của đồng tiền chính đáng mình kiếm ra chứ không trở thành nô lệ của vật chất.

Pháp Định
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp