• Zalo

Những dấu hiệu cho thấy bạn nên bỏ việc

Kinh tếThứ Hai, 13/04/2015 02:01:00 +07:00Google News

Nếu có những dấu hiệu cho thấy công việc hiện tại không còn phù hợp dưới đây, bạn nên cân nhắc chuyển hướng. Thông tin được Business Insider thống kê và đăng tả

Nếu có những dấu hiệu cho thấy công việc hiện tại không còn phù hợp dưới đây, bạn nên cân nhắc chuyển hướng. Thông tin được Business Insider thống kê và đăng tải.

1. Công việc không giúp bạn tiến bộ

Sự nghiệp của bạn phải tịnh tiến theo ít nhất một hướng nào đó. Với một vài người, đó có thể là được thăng chức. Đối với vài người khác, sự tịnh tiến này lại là học hỏi được kỹ năng mới hay trau dồi những thứ đang có. Nếu không có sự tịnh tiến nói trên, hẳn rằng công việc của bạn đang trì trệ.

Hãy hỏi bản thân mình câu hỏi quan trọng: "Bạn sẽ ra sao nếu ở lại với công việc này thêm một năm nữa"? Nếu bạn không có hoặc không thích câu trả lời thì đã đến lúc bạn nên tìm một công việc mới.

2. Tương lai công ty của bạn đang không lấy gì làm tốt đẹp

Doanh nghiệp nào cũng đều trải qua các giai đoạn thăng trầm. Vì thế nếu như công ty của bạn đang ở giai đoạn không tốt đẹp thì cũng đừng lo lắng. Tuy nhiên, nếu như tình hình có vẻ sẽ còn tệ hơn nữa trong những năm sắp tới, tốt hơn hết là bạn nên thoát ra sớm.

Doanh thu đi xuống năm này qua năm khác? Ngày càng nhiều nhân sự bị sa thải hàng năm? Công ty của bạn hoạt động trong một ngành đang giãy chết và những người chủ cũng chẳng tìm cách tạo nên sự khác biệt?

Nếu bạn làm việc ở một nơi rơi vào một trong số những trường hợp nói trên, hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới khi còn có thể.

3. Bạn không tôn trọng sếp

Những công việc tốt vẫn có thể bị huỷ hoại bởi những lãnh đạo yếu kém. Nếu bạn không thể dành sự tôn trọng cho cấp trên, việc đi làm hàng ngày chẳng thể mang lại nhiều giá trị cho bạn. Sếp nên là người truyền cảm hứng, động viên và giúp bạn học hỏi trong sự nghiệp.

Nếu sếp không giúp đỡ bạn hoặc yếu kém về năng lực, đừng ép bản thân chịu đựng lâu hơn. Ảnh: Business Insider.
Nếu sếp không giúp đỡ bạn hoặc yếu kém về năng lực, đừng ép bản thân chịu đựng lâu hơn. Ảnh: Business Insider. 
Nếu sếp không giúp đỡ bạn hoặc yếu kém về năng lực, thì đừng ép bản thân phải chịu đựng lâu hơn. Sếp tốt thì khó tìm, nhưng họ sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Còn nếu không, hãy tự khởi nghiệp và trở thành ông chủ của chính mình.

4. Bạn bị đánh giá thấp

Cụm từ "bị đánh giá thấp" không đơn thuần chỉ là tiền bạc (mặc dù việc bị trả lương quá thấp cũng là một vấn đề). Trên thực tế, việc bị đánh giá thấp là để chỉ những thành quả của bạn không được công nhận, hoặc những việc bạn đang làm không được đề cao.

Bạn nên được nhìn nhận như một phần của nhóm. Thành quả công việc của bạn nên được ghi nhận một cách xứng đáng. Nếu thường xuyên không được đánh giá cao bởi những việc tốt làm được, bạn xứng đáng có một cơ hội tìm cho mình một vị trí tốt hơn.

5. Bạn không đam mê với công việc

Bạn sẽ không bao giờ có thể có được một công việc khiến bản thân hứng khởi mỗi ngày. Trong một số trường hợp, bạn sẽ thấy mệt mỏi, không muốn đến công ty. Dù vậy, đam mê không đơn thuần chỉ là sự thích thú và niềm hạnh phúc, mà còn là sự phát triển trong môi trường làm việc và có được động lực phấn đấu.

Ví dụ, khi bạn căng thẳng và cảm thấy bực bội vì một vấn đề phức tạp, nếu như bạn chuyên tâm xử lý thì đó cũng có thể gọi là một sự đam mê. Còn nếu như bạn không có chút hứng thú thật lòng nào với công việc hay chỉ đang cố gắng chống chọi hàng ngày, đã đến lúc bạn tìm cho mình một công việc khác.

6. Bạn không hợp với văn hoá công ty

Văn hoá công ty là một phần thiết yếu trong công việc của bạn. Nếu hoà hợp được với thái độ, hành vi nơi công sở, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn cho bạn và công việc.

Nếu thói quen làm việc bất đồng với văn hoá công ty, bạn sẽ không bao giờ có thể thành công với tư cách một nhân viên ở đó. Trừ khi bạn có khả năng thay đổi văn hóa đó, nếu không thì tốt hơn là bạn nên bỏ việc và tìm một môi trường nào đó phù hợp hơn.

7. Bạn muốn thay đổi

Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, tuy nhiên lại cũng dễ bị bỏ qua nhất. Hãy nghĩ về điều bạn đang thực sự muốn làm. Liệu đó có phải là ngồi bàn giấy và thực hiện các nhiệm vụ? Hay bạn muốn tự khởi nghiệp, quay lại học đại học hoặc làm việc ngay gần nhà?

Nếu như bạn luôn không hài lòng với bản thân hoặc có ý nghĩ làm điều gì đó cho mình, hãy liều một phen mà theo đuổi đam mê... Sự ổn định là điều quan trọng, nhưng bạn không nên vì điều đó mà hy sinh hạnh phúc.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn