• Zalo

Những bí ẩn chết chóc của “rừng Chết”

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 19/08/2012 10:00:00 +07:00Google News

Để vào được khu rừng này, người ta phải mời thầy Mo cúng bái với các thủ tục kỳ lạ của người Pu Péo và người Nùng.

Khu “rừng chết” còn có tên gọi khác là rừng Cấm thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai) từ bao đời nay đã chứa đựng những bí ẩn chết chóc. Để vào được khu rừng này, người ta phải mời thầy Mo cúng bái với các thủ tục kỳ lạ của người Pu Péo và người Nùng.

Nơi tràn ngập âm khí

Rừng Cấm thuộc xã Bản Cầm (Bảo Thắng) và bản Xen, bản Lầu thuộc huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai, nằm trên một ngọn núi cao tách biệt với khu dân cư. Từ lâu nơi đây đã tồn tại những câu chuyện ma quái.

Các cao niên ở bản Xen đều công nhận, rừng Cấm là khu rừng chết. Từ xa xưa, người Pu Péo, người Nùng đã coi khu rừng như là nơi ở của các vị thần với những quyền năng vô hạn.

Cụ Mà A Mèn ở bản Xen cho hay: “Từ xưa đến nay, đã có nhiều người chết và bị điên do tự tiện vào khu rừng chặt gỗ, bắt thú. Thậm chí, có cả những nhóm người dưới xuôi lên đào vàng rồi không thấy ra nữa. Gia đình họ hàng lên tìm rồi cũng mất tích hết”. Nói rồi, cụ Mèn dẫn chúng tôi sang nhà anh Nông Văn Bích và bảo: “Thằng Bích năm ngoái cũng vào rừng chặt củi. Ra được đến ngoài bỗng dưng phát điên phát dại, không viện nào chữa được. Gia đình đưa nó về mấy ngày thì chết”.

Chuẩn bị lễ cúng rừng Cấm 

Tiếp chuyện chúng tôi là bà Vĩnh - mẹ anh Bích, bà Vĩnh cho hay: “Thằng Bích liều lắm, tôi đã bảo mà nó không nghe nên phạm vào luật trời. Ở nhà nó bị điên nhưng đưa lên viện các bác sĩ bảo nó chẳng bị bệnh gì. Thế rồi nó chết đúng như lời nguyền của rừng Cấm”.

Thậm chí theo lời cụ Mèn, dù có làm lễ đúng thủ tục nhưng vào rừng mà nói tục hay phóng uế bừa bãi, thì người đó cũng bị điên rồi chết. Theo nhẩm tính của cụ Mèn, số người bị chết vì dám vào rừng cũng khá nhiều, chỉ tính ngay ở bản Xen, con số đã lên tới hàng chục người.

Phía cuối của khu rừng Cấm thuộc xã Bản Cầm (Bảo Thắng) là nơi có âm khí rất nặng. Có lẽ vì thế, mà từ xưa tới nay không ai dám làm nhà gần cửa rừng. Đã có trường hợp liều lĩnh xây nhà và bị chết hoặc điên mà không thể lý giải. Càng ngày rừng Cấm càng nổi tiếng với những câu chuyện rùng rợn.

Kỳ công mâm lễ cúng

Để vào được khu rừng Cấm, dân bản phải thực hiện những nghi lễ truyền thống của người Pu Péo và người Nùng. Hội chính được tổ chức vào cuối tháng giêng ở khu cửa rừng phía đầu bản. Đó là lễ hội chính nên phải được chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ và chặt chẽ.

Ngoài ra còn có một số lễ hội cúng rừng Cấm vào ngày Thìn các tháng khi có việc cần phải vào bên trong. Trước ngày cúng hàng tuần, cao niên các bản phải chuẩn bị các món lễ.

Dân bản tin rằng, cúng rừng để đem lại bình an 

Theo thầy mo Lê Quang ở thôn Na Ngam, mâm lễ cúng gồm tổng số 17 món chia làm 2 mâm, gọi là mâm đất nước và mâm bản làng. Các món ở mâm đất nước gồm: Một con gà trống lông đỏ, một con lợn đực đen, 7 chén rượu xếp hàng ngang, một bát nước, 7 con ngựa giấy đen, một cái ô che lư hương, 7 nén nhang, 7 bát cơm, 7 xâu thịt các loại, một bát gồm thịt nạc, tim, tiết. Ở mâm bản làng gồm 7 món còn lại là: Một con gà trống gáy, một miếng thịt lợn, 5 xâu thịt lợn, 5 chén rượu, 5 bát cơm, 5 con ngựa giấy, một bát thức ăn chay.

Thức ăn sẽ được đặt trên lá chuối để trên một cái giá hai tầng, mâm trên và mâm dưới. Hai mâm này sẽ đặt tại bàn thờ cúng ở hai gốc cây cổ thụ nhất của khu cửa rừng gọi là cây bố và cây mẹ (tiếng Nùng là chapôq - chamêq)

Theo thầy mo Lê Quang, hai mâm cỗ này tượng trung cho lòng thành của dân bản, nó tựa như “vé” vào rừng. 17 món trên mâm cỗ cúng là 17 món quà ẩn chứa nhiều bí ẩn dâng tặng cho thần rừng.

Trong bất kỳ một lễ cúng rừng nào cũng phải đủ 2 thầy mo, họ úp mặt vào cây cổ thụ mà quỳ lạy 4 phương 8 hướng với những bài khấn truyền lại từ thời xa xưa theo một loại ngôn ngữ cổ.

Sau khi khai lễ lần thứ nhất, thì mổ lợn giết gà theo thủ tục để trên bàn thờ. Trong khi thầy mo khấn vái, những người đứng xem không được nói tiếng dân tộc khác. Sau tất cả các thủ tục, thầy mo và các cao niên sẽ bói xương gà, để dự đoán tương lai, vận hạn cho làng bản. Và dựa vào màu của xương gà, thầy mo sẽ phán trong năm tới, trong bản sẽ ra sao, có mấy người chết và chết như thế nào.

Đó là một điều bí mật, nhưng người quanh khu rừng Cấm đều công nhận và coi đó là lời tiên đoán chính xác. Bản thân thầy mo Lê Quang cũng không biết vì sao mình lại bói được như vậy. Ông bảo, lúc xem bói xương gà, ông như có một thế lực thần linh nào đó nhập vào và phán thay.


TheoANTĐ

Bình luận
vtcnews.vn