• Zalo

Những ai không nên uống nước dừa?

Tư vấnThứ Tư, 01/06/2022 10:15:19 +07:00Google News
(VTC News) -

Nước dừa là thức uống giải khát được tiêu thụ rộng rãi, có hương vị ngọt dịu và thanh mát tự nhiên.

Trong nước dừa chứa carbohydrate dễ tiêu hoá dưới dạng đường, cùng một loạt vitamin C, B, khoáng chất và các chất điện giải.

Với hàm lượng dưỡng chất cao, uống nước dừa với lượng vừa phải giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể, bao gồm chất đạm, đường, kali, canxi, magie, sắt và natri. Những thành phần này giúp bù dịch cho trường hợp tiêu chảy cấp, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả.

Không những vậy, uống nước dừa còn giúp loại bỏ các gốc tự do – tác nhân gây stress oxy hóa, dẫn đến hỏng tế bào và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Công dụng này của nước dừa đạt được là nhờ vào cơ chế làm thay đổi các gốc tự do và ức chế khả năng gây hại cho tế bào của chúng.

Những ai không nên uống nước dừa? - 1

Với hàm lượng dưỡng chất cao, uống nước dừa với lượng vừa phải giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Một số nghiên cứu chứng minh rằng uống nước dừa có thể làm giảm mức đường huyết, đồng thời cải thiện đáng kể các nguy cơ sức khoẻ khác ở những người mắc tiểu đường. Các hoạt chất trong nước dừa giúp ngăn chặn sự kết dính của những tinh thể như oxalat và canxi... trong nước tiểu, thận và các cơ quan khác của đường tiết niệu. Nhờ đó, bệnh sỏi thận có thể được đẩy lùi đáng kể khi uống nước dừa điều độ.

Ngoài những tác dụng trên, nước dừa cũng giúp kiểm soát huyết áp khá tốt. Những người tăng huyết áp có thể tiêu thụ nước dừa để cải thiện mức huyết áp. Mặt khác, một số nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, uống nước dừa có thể chống huyết khối và ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch.

Tuy nhiên, không phải ai uống nước dừa cũng đem lại nhiều lợi ích. 

Người có tính âm và hàn

Theo Đông y, người có thể trạng âm hàn, chân tay hay bị lạnh nên tránh sử dụng nước dừa. Bởi thức uống này có tính hàn, nếu uống nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng mất cân bằng “âm dương”, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, làm đuối sức hoặc suy nhược cơ thể.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu

Trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, bào thai vẫn chưa bám chắc hoàn toàn vào thành tử cung của mẹ bầu, vì vậy nếu uống nước dừa sẽ gây lạnh cơ thể và dễ tiềm ẩn nguy cơ sảy thai. Mặt khác, phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai khi tiêu thụ nhiều nước dừa có thể làm tăng các triệu chứng ốm nghén, gây khó tiêu và suy giảm chức năng chuyển hoá của cơ thể.

Người mới đi nắng về 

Cần tránh uống nước dừa ngay khi vừa lao động chân tay nặng nhọc hoặc từ trời nắng về. Lúc này, thân nhiệt vẫn đang cao, khi uống nước dừa ngay lập tức có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm. Tốt nhất, bạn nên ngồi nghỉ ngơi và đợi cho thân nhiệt ổn định trở lại mới uống nước dừa, tuy nhiên nên uống từng ngụm nhỏ với lượng vừa phải.

Người mắc bệnh trĩ, cảm lạnh, huyết áp thấp hoặc thấp khớp

Nước dừa thường có tính giải nhiệt tương đối cao, có tác dụng hạ huyết áp và làm mềm gân cơ nhanh chóng, do đó đây không phải là thức uống phù hợp cho người có mức huyết áp thấp, mắc bệnh trĩ, đang cảm lạnh hoặc thấp khớp. Nếu cố tình uống nước dừa, bệnh tình của những đối tượng này sẽ trở nên trầm trọng thêm.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi

Hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn non nớt và chưa hoàn thiện đầy đủ. Khi cho trẻ uống nước dừa ở độ tuổi này sẽ gây ra các vấn đề tiêu hoá, chẳng hạn như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu. Tốt nhất, bạn chỉ nên cho trẻ trên 6 tháng tuổi uống với liều lượng nhỏ để bé làm quen, sau đó mới tăng dần.

BS Đặng Xuân Thắng
Bình luận
vtcnews.vn