Nhiều trường ĐH vừa công bố đề án tuyển sinh riêng, trong đó tổ chức sơ tuyển, làm bài thi đánh giá năng lực bên cạnh việc xét điểm học bạ và kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Ngày 31/12/2014, nhiều trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hầu hết các trường đều dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả học bạ THPT để xét tuyển. Tuy nhiên, cũng có những trường tổ chức cho thí sinh làm thêm bài thi.
Làm bài kiểm tra năng lực
Điển hình như ở Trường ĐH Luật TP HCM, thí sinh thi vào phải làm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức, sau khi trúng tuyển ở vòng xét tuyển lần 1. Ba tiêu chí tuyển sinh được Trường ĐH Luật TP HCM đưa ra, gồm:
Tiêu chí 1 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường): Xét tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối xét tuyển ở 6 học kỳ THPT; tiêu chí 2 (chiếm tỉ trọng 60% điểm trúng tuyển vào trường): xét tổng điểm trung bình 3 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia; tiêu chí 3 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường): kết quả điểm kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội của thí sinh.
Thí sinh làm bài thi tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 |
Chỉ những thí sinh trúng tuyển ở bước xét tiêu chí 1 và tiêu chí 2 mới làm bài kiểm tra năng lực. Bài kiểm tra gồm có 2 phần trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút). Với bài kiểm tra năng lực, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi mà chỉ cần vận dụng kiến thức và khả năng hiểu biết để làm.
Cũng tổ chức thêm bài thi như ở ĐH Luật TP HCM là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trường này vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, sau đó thí sinh phải làm thêm bài luận do trường tổ chức.
ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng bằng bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh dự tuyển vào trường sẽ làm bài thi được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7 hằng năm. Sau khi trường công bố những người đủ điểm trúng tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là được gọi nhập học.
Trong khi đó, một số ĐH tốp trên tổ chức sơ tuyển trước như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Y Hà Nội...
Kỹ thuật vẫn xét tuyển môn văn
Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH dùng kết quả kỳ thi THPT, kết quả học bạ THPT hoặc kết hợp cả hai để xét tuyển. Đến giữa tháng 12-2014, đã có 428 trường ĐH, CĐ gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT. Tất cả các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Trong đó, 235 trường (135 ĐH, 100 CĐ) chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 192 trường (81 ĐH, 111 CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi chung vừa sử dụng kết quả học tập phổ thông. ĐHQGTP HCM, các ĐH vùng, trọng điểm, khối y dược, công an, quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM không xét tuyển theo điểm trung bình học bạ vào một số ngành như năm 2014 mà chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì tổ chức. Riêng ngành đào tạo kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô hệ đại trà kết hợp điểm kỳ thi THPT quốc gia với điểm trung bình học bạ, trong đó điểm kỳ thi quốc gia chiếm tỉ trọng 80%.
Trường ĐH Văn Hiến năm nay vừa xét kết quả thí sinh dự kỳ thi quốc gia vừa xét kết quả học bạ. Cụ thể, trường dành 1.000 chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì, 1.400 chỉ tiêu xét kết quả học bạ THPT. Chỉ 100 chỉ tiêu tổ chức thi thêm các môn năng khiếu sau khi thí sinh đã có kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Một điểm mới là năm nay, nhiều trường bổ sung các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuậtTP HCM dùng môn văn trong tổ hợp D1 (toán, văn, Anh) vào xét tuyển ở tất cả các ngành kỹ thuật.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng, giải thích việc đưa môn văn vào xét tuyển các ngành kỹ thuật là vì có nhiều sinh viên viết báo cáo rất yếu do yếu môn văn. Điều này cũng có lợi cho thí sinh khi các em chỉ sử dụng 3 môn bắt buộc của kỳ thi quốc gia, không cần thi thêm nhiều môn khác. Ông Dũng khẳng định điều này không ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên ngành kỹ thuật.
Theo NLĐ
Bình luận