Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, ngày 8/12, các đại biểu làm việc tại Hội trường để giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn những nội dung quan trọng được giải trình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và hứa hẹn mang tới nhiều đổi mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024.
Mở đầu Phiên họp, Tổ Thư ký Kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ diễn ra chiều ngày 7/12. Theo đó, đã có 75 lượt ý kiến tham gia phát biểu về các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Các đại biểu cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và thảo luận về các vấn đề, nội dung trình tại Kỳ họp.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp các nội dung để đề nghị UBND tỉnh và các thành viên giải trình, làm rõ.
Tại Phiên giải trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương đã báo cáo giải trình 3 nội dung tại Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cụ thể, phân tích làm rõ nguyên nhân đối với 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch năm 2023 như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu địa phương, GRDP bình quân đầu người/năm; đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời, báo cáo làm rõ kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện nay và giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023.
Ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên báo cáo giải trình, phân tích làm rõ về cơ sở để xác định mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 19.515 tỷ đồng (thấp hơn kế hoạch năm 2023); ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung của Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố; số lượng, mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung của Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý.
Phiên chất vấn có gần 10 lượt ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên về các nội dung liên quan như: Đánh giá việc phân loại rác thải tại nguồn và việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; giải pháp, lộ trình thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới; giải pháp của ngành Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được các đại biểu quan tâm chất vấn.
Về lĩnh vực này, đại biểu đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 200 tỷ đồng; tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm của doanh nghiệp diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để và rất khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Với nội dung chất vấn sát thực tế, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến của đông đảo cử tri và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; phần trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, trách nhiệm theo từng vấn đề đặt ra của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan đã có tính thuyết phục và được các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao.
Phát biểu tại Phiên họp, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: UBND tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo trình tại Kỳ họp. Sau khi các đại biểu HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, UBND tỉnh sẽ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chuẩn bị các nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Năm 2024 được dự báo là rất khó khăn trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của thế giới, khu vực và trong nước, cũng là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo thì các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đảm bảo chất lượng, có kết quả cụ thể.
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển thịnh vượng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật;
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân; tiếp tục cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế phù hợp với tiềm năng phát triển của tỉnh.
Bình luận