Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, với 12 chương, 121 Điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Luật có những điểm mới cơ bản được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua, mang đến chuyển biến tích cực cho ngành y tế trong thời gian tới.
Cụ thể, về các quy định liên quan đến người bệnh, Luật bổ sung quyền kiến nghị và yêu cầu bồi thường của người bệnh; xác định rõ người đại diện của người bệnh và việc thay thế người đại diện của người bệnh; quy định về người bệnh không có thân nhân và quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân...
Về các quy định liên quan đến người hành nghề, Luật đã bổ sung thêm 3 chức danh phải có giấy phép hành nghề (dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng); Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề là phải được Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá đủ năng lực hành nghề tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định cụ thể các trường hợp và phân cấp thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; Thời hạn của Giấy phép hành nghề (5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh); Quy định các chính sách học bổng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khám bệnh, chữa bệnh...
Về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) điều chỉnh hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh từ 4 tuyến theo cấp hành chính như hiện hành thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Đồng thời, Luật quy định lộ trình thực hiện quy định này để đảm bảo tính khả thi.
Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu gồm: hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện; hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Luật bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Một điểm đáng chú ý về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng… cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định.
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Với 8 chương, 96 điều, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024, được kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thể hiện rõ nguyên tắc "thành tích đến đâu, khen đến đó" và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích" trước đây.
Nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến", "Tập thể lao động tiên tiến", "Đơn vị tiên tiến".
Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, ban, ngành tặng danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến", "Chiến sĩ thi đua cơ sở", "Lao động tiên tiến" hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến", "Chiến sĩ thi đua cơ sở", "Lao động tiên tiến" cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân.
Đồng thời, Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng. Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực...
Luật Căn cước
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với 7 chương, 46 Điều.
Về quy định chuyển tiếp, Luật Căn cước mới vừa được thông qua đã nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Trường hợp chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ gần 95% đại biểu tán thành và chính thức áp dụng từ 1/7/2024.
Về phạm vi điều chỉnh, luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực mà điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành.
Liên quan đến chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu.
Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn… không phải là chữ ký điện tử.
Luật Giá (sửa đổi)
Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Với 8 Chương, 75 Điều về cơ bản vẫn điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Tuy nhiên, với các vấn đề về giá đất, giá nhà ở, giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thì thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.
Xăng, dầu thành phẩm tiếp tục được quy định là mặt hàng bình ổn giá. Đây là mặt hàng đã được thành lập Quỹ bình ổn giá trong nhiều năm và quỹ này sẽ được duy trì sử dụng như một biện pháp bình ổn giá khi giá xăng, dầu có biến động bất thường. Thay vì doanh nghiệp xăng dầu làm đầu mối quản lý, theo Luật, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, công khai quỹ này.
Bên cạnh đó, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh, sẽ được Nhà nước định giá.
Vé hàng không nội địa là một trong những dịch vụ thuộc danh mục này. Theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan đầu mối quản lý, sẽ định giá giá trần của dịch vụ này, nhằm đảm bảo nhiều người dân được tiếp cận sử dụng dịch vụ.
Luật mới cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, sẽ xử phạt đối tượng có các hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi. Việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật Giá sửa đổi đang được hoàn thiện để ban hành.
Như vậy, Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính độc quyền. Đồng thời, các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá cũng được quy định rõ, nhằm đảm bảo lợi ích của người dân, không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình luận