Nội dung trên được Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng đưa ra khi góp ý vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 24/9.
Ông Phan Văn Hùng dẫn số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an cho thấy, nước ta hiện có hơn 16 triệu người cao tuổi, đang gia tăng rất nhanh.
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong vòng 10 năm nữa, chúng ta sẽ kết thúc quá trình già hóa.
"Người cao tuổi trong độ tuổi 60 - 69, còn khỏe mạnh ở nước ta chiếm trên 65%. Hiện có tới 2/3 số lượng người cao tuổi không có lương hưu, còn người 75 tuổi trở lên có trợ cấp xã hội rất ít. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã sa thải người lao động từ khi 45 - 50 tuổi. Vì vậy nhu cầu chuyển đổi ngành, chuyển đổi công việc là rất lớn", ông Phan Văn Hùng nói.
Theo ông Phan Văn Hùng, nhiều người cao tuổi mong muốn lao động không chỉ kiếm thu nhập mà còn cống hiến, khẳng định vị thế và qua lao động có niềm vui, sức khỏe.
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho hay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan này, hiện có khoảng 7 triệu người cao tuổi đang lao động sản xuất, tạo thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
"Tuy nhiên, thời gian qua, người cao tuổi chưa được quan tâm vấn đề dạy nghề, chuyển đổi ngành, vay vốn, thu nhập thấp... Vậy nên, trong bối cảnh hiện nay rất cần có chính sách giải quyết việc làm cho người cao tuổi", ông Phan Văn Hùng nói thêm.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, mới đây Thủ tướng ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Theo đó, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi nghề, phần lớn người lao động từ kỹ năng thấp sang kỹ năng cao.
"Chúng tôi mong muốn, từ thực tiễn như vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ thể hiện rõ hơn giải pháp, quy định cụ thể cho chuyển đổi nghề. Hiện nay, dự thảo Luật đề cập đến vấn đề tạo nghề nhiều hơn, còn chuyển đổi nghề sẽ là vấn đề rất lớn trong thời gian rất gần tại Việt Nam", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo Điều 23 (Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi) của dự án Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm; tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, người lao động là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc cũng được Nhà nước giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định.
Ngoài ra, Điều 24 (Hỗ trợ việc làm trong bối cảnh già hóa dân số) cũng nêu rõ, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hóa dân số.
Chính phủ cũng khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng.
Bỏ quy định sinh viên làm thêm không quá 24 giờ/tuần
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy.
Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự án Luật này được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.
Dự án Luật cũng nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.
Trước đó, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 6 quy định sinh viên đang học được làm việc nhưng không quá 24 giờ/tuần, nới 4 giờ so với dự án Luật được lấy ý kiến hồi tháng 3.
Bình luận