• Zalo

Nhiều DN bất động sản sống lay lắt vì “đói” vốn

Kinh tếThứ Ba, 14/02/2012 12:58:00 +07:00 Google News

Thị trường bất động sản trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc làm ăn ế ẩm, sống thoi thóp.

Thị trường bất động sản trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc làm ăn ế ẩm, sống thoi thóp. Một số đơn vị khác rơi vào tình cảnh nợ nần, doanh thu giảm 70% so với trước đó.

Chị Đỗ Thị Huyền, nhân viên một công ty xây dựng nhỏ có trụ sở trên đường Lê Văn Thiêm (Hà Nội) cho biết, ra Tết, hơn chục nhân viên văn phòng của công ty quay lại làm việc thì không thấy lãnh đạo đến chúc Tết như mọi năm. Chị tâm sự, tưởng đầu năm doanh nghiệp chưa có việc nên vẫn được nghỉ, ai ngờ, ngày hôm sau giám đốc gọi điện, báo công ty giải thể do không đủ khả năng để thi công. "Chỉ có một nhân viên kế toán được giữ lại để hoàn thiện nốt các thủ tục về thuế để giải thể công ty", chị Huyền ngao ngán.

Thị trường địa ốc ảm đảm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ảnh: Ngọc Tuyên 
Chị tâm sự, từ vài tháng trước Tết, công ty đã liên tục nợ lương nhân viên. Ngân hàng không cho vay thêm, trong khi vẫn thúc khoản nợ cũ lên đến hàng chục tỷ đồng. Đói vốn, chủ đầu tư lại không thanh toán nên doanh nghiệp thi công rất chậm. "Từ giữa năm, công ty chị chỉ còn 3 công trình nhỏ nhưng mãi không xong. Đợt cuối năm, một chủ đầu tư còn thu hồi lại công trình do thi công chậm”, chị Huyền kể.

Đến sát Tết, chị mới được thanh toán hết tiền lương nhưng "không một đồng tiền thưởng". Chị Huyền còn bị cắt giảm khoản phụ cấp mấy tháng đi công trình.

Cùng chung tình cảnh trên, anh Nguyễn Đào, nhân viên một sàn bất động sản ở Lê Văn Lương cho biết, trước dịp nghỉ Tết, giám đốc sàn đã thông báo cắt giảm 5 trong số 10 nhân viên, những người còn lại thì bị giảm khoảng 30% lương cứng trong năm mới. Thời hoàng kim của địa ốc, những người môi giới như anh có thể sống khỏe thì nay phải lay lắt. Thời điểm địa ốc lên cơn sốt năm 2010, với phí môi giới cho mỗi giao dịch thành công khoảng 1%, mỗi tuần 5-6 vụ thành công thì hằng tháng anh thu trên dưới 200 triệu đồng.

"Nhưng nay chờ dài cũng chẳng có khách mua, bán nên thu nhập thêm từ môi giới hầu như không có. Mặc dù không thuộc diện cắt giảm nhưng nếu tình trạng này kéo dài, tôi phải chuyển nghề sớm", anh than.

Hiện tại cũng chính là thời điểm địa ốc lâm vào tình cảnh bi đát nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Ảnh: Hoàng Lan 
Chị Hường, nhân viên kinh doanh một doanh nghiệp bất động sản thuộc Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) cho biết, công ty không phải cắt nhân sự nhưng thu nhập của nhân viên giảm chỉ bằng một phần tư so với đầu năm. Trong năm 2010 đến đầu năm 2011, thu nhập của chị Hường mỗi tháng không dưới 12 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khoảng giữa năm trở lại đây, hằng tháng chủ yếu chị Hường chỉ nhận được lương cứng gần 4 triệu đồng do thị trường không có giao dịch.

“Tổng công ty còn cho biết năm nay sẽ hạn chế tối đa việc đầu tư các lĩnh vực ngoài ngành, trong đó có bất động sản. Vì thế, tình hình chắc chắn còn ảm đạm hơn”, chị Hường cho biết.

Trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group cho rằng, trong bối cảnh địa ốc ảm đạm, nhiều dự án buộc phải giảm giá 15-35%, ế ẩm thì chuyện doanh nghiệp địa ốc bị lỗ thậm chí đi đến phá sản là điều dễ hiểu. Song chính trong cơn bĩ cực, theo ông Hưng, cũng là lúc, doanh nghiệp đều phải tự tìm chiến lược riêng. "Các doanh nghiệp nhỏ không bán được hàng, không nuôi sống được nhân viên sẽ buộc phải giải thể. Trường hợp khá hơn có thể sáp nhập để tìm hướng đi mới, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, từ nay đến hết năm địa ốc sẽ giảm giá nữa và doanh nghiệp sẽ còn khó khăn. "Phải ít nhất đến hết quý 3, địa ốc mới có thể sáng sủa và doanh nghiệp sẽ bớt lay lắt hơn", ông Hưng dự đoán.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường thì cho rằng, trong năm nay, xu hướng giảm giá sẽ diễn ra hàng loạt, nhất là những nhà đầu tư đói vốn. Bi kịch là dù đã giảm song giá nhà vẫn cao khiến cung cầu không gặp nhau. Hiện tại cũng chính là thời điểm địa ốc lâm vào tình cảnh bi đát nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Ông Võ nhấn mạnh, không bán được hàng, nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại bằng cách sát nhập thậm chí phá sản để tìm hướng đi mới. "Đây cũng là một cách làm thanh lọc thị trường, tránh việc doanh nghiệp đầu tư bát nháo theo dạng a dua", ông Võ chia sẻ.

Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn