Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), việc chênh lệch nhiệt độ trong khoảng thời gian khá ngắn khiến cơ thể con người không kịp thích nghi, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, các mạch máu vùng họng miệng co lại, lượng máu lưu thông ở các vùng này giảm, đồng nghĩa các tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể cũng xuất hiện ít hơn.
Nhiệt độ giảm xuống đột ngột có thể kèm theo khô hanh hoặc ẩm ướt, khiến đường hô hấp, đường tiêu hóa bị quá khô, hoặc quá ẩm, ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của cơ thể.
Không khí lạnh tràn về, gây mưa ở nhiều tỉnh, thành, việc thiếu ánh nắng mặt trời, dẫn tới con người bị thiếu vitamin D, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai, người có nhu cầu vitamin D cao hơn thông thường.
Các yếu tố trên khiến sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng rõ rệt.
Trong khi đó, các loại virus, vi khuẩn, vi nấm vẫn luôn tồn tại trong niêm mạc vùng miệng, họng... Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt thì chúng chung sống hòa bình với cơ thể; khi hệ miễn dịch suy yếu thì chúng phát triển mạnh lên, gây ra bệnh.
Một số bệnh đường hô hấp hay gặp khi thay đổi thời tiết như nhiễm virus đường hô hấp cấp: COVID-19, cúm A, cúm B hoặc cảm lạnh... Khi mắc các bệnh này, cách tốt nhất là điều trị triệu chứng (hạ sốt, bù nước và điện giải, dùng thuốc giảm ngạt mũi, giảm ho...) và nâng đỡ cơ thể, đảm bảo ăn ngủ tốt. Nếu có dấu hiệu mất nước (da khô, tiểu ít, huyết áp thấp...), suy hô hấp (thở nhanh, nông...) cần nhập viện ngay.
Bên cạnh đó, kiểu thời tiết thay đổi đột ngột còn khiến con người có nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm ami-đan, viêm phế quản. Lúc này, người bệnh cần súc họng nước muối sinh lý và dung dịch sát khuẩn, dùng các thảo dược bổ phế và tăng đề kháng, đi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng kháng sinh, long đờm.
Thời tiết chuyển lạnh cũng có thể làm nặng nề thêm triệu chứng ở những người có bệnh nền trước đó. Thời tiết lạnh kích thích dây thần kinh phế vị, gây tăng tiết acid dạ dày, rối loạn co thắt đường tiêu hóa. Điều này khiến những người viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn co thắt đại tràng... có thể bị tái phát, hoặc làm nặng nề thêm các triệu chứng sẵn có.
Với người bệnh nguy cơ đột quỵ (béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu...), khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ đang từ trong nhà ấm, ra cửa gặp gió lạnh, gây co thắt mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp hoặc tắc mạch, có thể đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Những người cơ địa dị ứng, khi thời tiết thay đổi, các triệu chứng có thể tăng lên. Các bệnh nhân tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng rất dễ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những người gặp các vấn đề về bệnh về xương, khớp, các bệnh mạn tính đường hô hấp như viêm xoang/họng mạn tính, giãn phế quản, COPD... khi gặp thời tiết lạnh cũng rất dễ bị tác động.
Bác sĩ khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, biện pháp quan trọng nhất là tăng sức đề kháng nói chung, thông qua dinh dưỡng, tập luyện, duy trì thuốc và đi viện kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng.
Các gia đình cần đặc biệt quan tâm tới trẻ nhỏ và người già hơn, do khả năng điều hòa thân nhiệt kém; tiêm vaccine đầy đủ, lưu ý các vaccine phòng cúm, phòng phế cầu... Chúng ta cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, có thể súc họng nước muối sinh lý ấm, các dung dịch súc họng sát khuẩn, dùng các loại bổ phế, một số loại thảo dược tăng sức đề kháng cho cơ thể; hạn chế đi ra chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp.
Bình luận