Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chỉ rõ những bệnh hô hấp dễ mắc phải khi thời tiết giao mùa.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp hay diễn ra tại xoang, mũi, ngực, phổi và cổ họng với các bệnh điển hình như viêm phổi, cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản mạn tính, viêm xoang mạn tính, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn.
Bệnh có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Bị nhiễm trùng mạn tính, bệnh sẽ tái phát nhiều lần không khỏi dứt điểm, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa thu sang mùa đông khi mọi người dành nhiều thời gian trong nhà hơn và tụ tập nhiều người trong không gian hẹp. Từ đó nguy cơ lây lan bệnh nhiễm trùng đường hô hấp là rất cao.
Hiện có nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau gây nhiễm trùng đường hô hấp. Cơ chế lây truyền chủ yếu là thông qua những giọt bắn lơ lửng trong không khí khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, sổ mũi... Thậm chí nếu sờ lên các bề mặt chứa vi khuẩn và đưa tay lên mũi, mắt, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thì có thể dùng kháng sinh để điều trị. Nhưng nếu là virus thì việc dùng kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả mà sẽ dùng loại thuốc kháng virus. Ở những trường hợp mạn tính thì phương pháp điều trị chủ yếu là kê đơn thuốc giúp kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng.
Bệnh hen phế quản
Hen phế quản hay hen suyễn cũng là một trong các bệnh hô hấp dễ tái phát khi giao mùa. Điều này xảy ra thường xuyên hơn với người mắc bệnh là trẻ em. Khoảng thời gian tựu trường sẽ là mùa thu, khi trẻ tập trung đến trường cộng với sự thất thường của thời tiết khi thay đổi từ thu sang đông sẽ dễ làm lây truyền các loại virus gây bệnh hô hấp.
Ngoài ra, qua các mùa khác nhau, những trẻ bị hen suyễn có thể sẽ gặp phải các tác nhân dị ứng khác nhau đặc biệt là phấn hoa. Điều này còn kết hợp với các yếu tố khác như ô nhiễm không khí gia tăng, virus phát triển mạnh khi thời tiết chuyển mùa.
Phòng ngừa thế nào?
Để luôn khỏe mạnh trước sự thay đổi của thời tiết, bác sĩ Vũ Thanh Tuấn khuyên mỗi người nên hạn chế sử dụng nước đá, nhất là vào mùa lạnh để không bị viêm họng hoặc các vấn đề khác ở đường hô hấp; thường xuyên giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là vùng ngực, cổ, gan bàn chân.
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn cũng lưu ý mọi người không nên thức quá khuya vì thời điểm này nhiệt độ hạ thấp, dễ bị nhiễm lạnh; không nên để máy lạnh, quạt máy phả thẳng vào mặt; đánh răng sạch sẽ ít nhất 2 lần/ngày, vệ sinh lưỡi họng sạch sẽ. Bạn nên súc họng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch những khu vực này, không để vi khuẩn sinh sôi phát triển;
"Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, sau khi đi ra ngoài về nhà cũng là biện pháp giúp phòng tránh nguy cơ lây bệnh hô hấp hiệu quả; tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào", bác sĩ Tuấn nói.
Mọi người nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin C, tăng cường tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Người dân nên tiêm phòng bệnh cúm và tiêm mũi phế cầu hàng năm, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bệnh cao để phòng ngừa bệnh hô hấp.
Bình luận