• Zalo

Nhật ký chết chóc của ‘ông già Biển Hồ’

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 14/05/2013 07:16:00 +07:00 Google News

Nhiều tiếng đồng hồ lặn ngụp, cuối cùng ông cũng vớt được hai thi thể lên bờ.

Phía sau những cuộc “giỡn chơi với Hà Bá” là những giọt nước mắt, những nỗi đau mất người thân…


Lần giở cuốn nhật ký của ông Quách Trọng Hoan (73 tuổi, ngụ thôn 4, xã Biển Hồ, Pleiku, Gia Lai), người 25 năm nay làm nghề vớt xác ở hồ nước lớn bậc nhất Tây Nguyên, không khỏi xót xa trước những cái chết lẽ ra đã có thể tránh khỏi.

Nhật ký “giỡn mặt Hà Bá”

Ngày… năm 1993

Buổi chiều có hai thanh niên đến Biển Hồ chơi, trong đó chỉ một người biết bơi. Người biết bơi rủ bạn mình ngồi lên một chiếc bè của dân đánh cá để bên bờ hồ, xuống nước chèo đi dạo.

Khi người không biết bơi lên bè xuống nước, người kia đẩy chiếc bè ra, hù doạ bạn. Bè từ từ trôi ra xa, ngồi trên bè, người không biết bơi hoảng sợ hét lên kêu cứu. Đứng trên bờ, người còn lại ngạo nghễ cười khoái chí.

Bè ra xa, gặp gió, trôi đi nhanh hơn. Đến lúc ấy, người còn lại mới nhảy ùm xuống nước chứng tỏ tài “rái cá”. Thế nhưng bơi mãi vẫn không kịp, đến giữa hồ thì đuối sức, chìm dần. Người không biết bơi dù bè trôi đi xa, nhưng cuối cùng vẫn được người dân đưa thuyền ra cứu. “Rái cá” thì mãi mãi nằm xuống lòng hồ.

Ngày… năm 2000

Lại thêm một vụ “giỡn chơi với Hà Bá”. Một cán bộ Sở y tế tỉnh Gia Lai, kế toán ở công ty Hoàng Anh Gia Lai một buổi sáng đẹp trời đến Biển Hồ lấy thuyền chèo đi dạo ngắm cảnh.

Thuyền ra đến giữa hồ, anh kế toán vốn là người bơi lội giỏi, nhảy xuống nước tắm. Lực đẩy mạnh khi bật nhảy làm con thuyền tròng trành, lật úp. Dù không biết bơi, anh cán bộ Sở vẫn nhanh tay bám kịp vào thuyền, cho bạn dìu vào bờ.

Trước con mắt của bao nhiêu người lao đến xem, để thể hiện mình là người giỏi bơi lội, khi đã đưa con thuyền bị lật úp cùng bạn sát bờ, anh kế toán “nổi hứng” bơi ngược ra giữa hồ, bất chấp việc mọi người can ngăn.

Xuống sức, anh chuyển sang bơi ngửa, rồi mất phương hướng, càng bơi vào thì lại càng ra xa. Đến lúc kịp giơ tay lên kêu cứu, cũng là lúc đôi tay vẫy vẫy chìm dần.

Ngày… năm 2005

Hai thanh niên tên A Nèm và A Mền ở làng Sơ, cũng thuộc xã Biển Hồ, vốn là hai đối tượng lêu lổng, trộm cắp. Vì quậy phá, hai chàng trai bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, lang thang chán chê rồi đêm đến mua rượu và mồi đến ven Biển Hồ nhậu nhẹt. Say men, hai anh trai làng quyết định “uống xong, tao và mày cùng nhau nhảy xuống nước tự tử”.

Đêm ấy, ông Hoan đi bủa lưới bắt cá, nghe hai thanh niên rượu vào lời ra nói oang oang, ý định quyên sinh. Ông lão tức tốc về nhà, vác khẩu súng săn đến chỗ hai chàng trai đang định nhún chân lao xuống nước, quát lớn: “Đứng dậy! Vào nhà nằm ngủ, hễ hai anh động đậy là tôi bắn”.

Họng súng đen ngòm khiến hai thanh niên sợ “vãi linh hồn” tỉnh rượu hẳn, líu ríu theo ông vào nhà, lên giường nằm ngủ. Sáng ra, tỉnh hẳn, hai chàng trai mới bàng hoàng. Cơm nước xong, ông lão dẫn hai người về nhà xin lỗi bố mẹ.

Ông già vớt xác bên Biển Hồ 

Hai mươi lăm năm vớt xác không công

Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vụ chết người “lãng xẹt” ở hồ nước rộng mênh mông này. Kể từ vụ đầu tiên vào năm 1988 lặn vớt xác cho bốn người bị chìm đò, đến nay con số ấy đã là 65.

Cứ mỗi khi trên Biển Hồ có người chết đuối, người ta lại đón ông đến lặn tìm xác. Dường như đó là “nghề” định mệnh với ông, bởi nhiều vụ chết đuối, người nhà thuê thợ lặn tìm kiếm nhưng không khi nào được, phải đến khi có ông, xác mới được tìm thấy.

Sáu mươi lăm tử thi là 65 kỷ niệm sởn gai ốc. Kể về chuyện này, ông có nhiều. Như vụ vớt xác hai công nhân bị tai nạn rơi xuống nước mất tích. Trong đêm tối hoang vắng, bốn bề rừng núi mênh mông không một bóng người, một mình ông đi dọc bờ sông mò mẫm tìm kiếm. Nhiều tiếng đồng hồ lặn ngụp, cuối cùng ông cũng vớt được hai thi thể lên bờ.

Đêm rừng vắng, đường xa, sức đâu mà đi bộ khiêng hai thi thể về, điện thoại di động lại chẳng có, ông một mình thức trắng đêm canh thỉ thể hai người xấu số, chờ sáng sớm mới có “quân cứu viện”.

Đau lòng nhất là những người tự vẫn mà không mẩu giấy tờ tùy thân, trở thành xác chết vô thừa nhận. Chiều một ngày cuối tháng 2/2013, cô gái ấy đến Biển Hồ lặng lẽ đi bộ ven bờ, tay ôm bọc quần áo.

Đang lững thững đi, bất ngờ cô nhảy ùm xuống nước. Một số người dân trông thấy liền tri hô kêu cứu. Ông Hoan đang trong nhà, nhắm nơi có tiếng kêu chạy đến, lao thẳng xuống nước. Đã quá muộn. Lòng hồ rộng, mực nước sâu, sau hơn một giờ quần thảo, ông mới vớt được thi thể cô gái lên.

Trên người nạn nhân không có bất kỳ mẩu giấy tuỳ thân, cơ quan chức năng không thể nào xác định danh tính, quê quán. Cũng như bao lần khác, nạn nhân xấu số lại được ông đứng ra chôn cất, nhang khói tử tế.

“Đã hơn một tháng rồi mà vẫn chưa có ai là người nhà đến để nhận xác. Người ta sống thì phải có tên có tuổi, chết có quê có quán. Vậy mà nó nghỉ quẩn, chết làm ma lưu lạc nơi đất khách. Tội nghiệp”, ông trầm ngâm.

“Số người chết đuối ở Biển Hồ nhiều lắm, năm nào cũng có, trung bình mỗi năm 5 người. Nhiều người nói ma quỷ này nọ, nhưng không phải vậy. Là địa điểm du lịch nổi tiếng nên nhiều người đến chơi; mà hồ rộng, nước sâu, trượt chân, xảy ra tai nạn là bình thường.

Còn vì sao một số người tìm đến đây tự vẫn, là khi có ý định quyên sinh, người ta đến hồ nước lớn cho thân thể mình sạch sẽ, khi “đi” sẽ trút bỏ được tất cả”, ông lão lý giải.

“Thôi coi như là cái nghiệp, người ta xấu số, mình thương người ta nên đến vớt dùm thôi. Người ta cho bao nhiêu tiền cũng được, mình không đòi hỏi gì cả. Tiền người ta biếu, đem về cũng là để quyên góp làm từ thiện”, ông già Biển Hồ tâm sự.

Quả thật, số tiền người ta trả công, ông dùng hết để xây một ngôi đền thờ tự cho các nạn nhân xấu số. Đền Vạn Linh nằm sát ven Biển Hồ, với mong muốn vong linh người chết có một nơi yên nghỉ thờ phụng.

Tấm lòng ông đã cảm phục lòng người Jarai, họ gọi ông thân thương bằng cái tên ông già Joanueng (Ông già Biển Hồ) và đặt tên ông cho một ngọn núi - Núi Joanueng. Tâm nguyện giờ đây của ông là mong muốn chính quyền thành lập một đội cứu hộ ở Biển Hồ, dù nhiều lần gửi đơn đi, ông vẫn chưa nhận được lời hồi đáp.

Biết bơi thì chết, không biết bơi thì sống
Giữa năm 1988, một chiếc thuyền chở sáu ngư dân đến giữa hồ thì thuyền bục ra, nước tràn vào khoang, từ từ chìm xuống. Trong sáu người trên thuyền, có bốn người đàn ông, một phụ nữ đang mang bầu, một bé trai 9 tuổi.

Thuyền chìm dần, bốn người đàn ông biết bơi nhảy xuống thoát thân. Điều kỳ lạ, khi đang bơi, đột nhiên cả bốn người này như bị một thứ gì hút chìm xuống đáy hồ, chết mất xác.

Trong lúc đó, bà bầu và đứa bé không biết bơi chới với cố bám víu những gì vớ được. Trong cơn thập tử nhất sinh, đứa bé may mắn bám vào được một can nhựa; người phụ nữ thì lột cái nón lá đang đội trên đầu xuống, bám vào vật lộn với dòng nước, miệng lẩm nhẩm niệm kinh Phật. Kỳ diệu, hai người lại không chìm xuống mà cầm cự được ít phút, chờ các thuyền khác lao đến cứu thành công.


Theo Thanh An(PLVN)

Bình luận