Thời gian gần đây, giới buôn đồ cổ ở TP.HCM đổ xô tìm săn tượng nhà mồ Tây Nguyên. Với những tượng khắc bằng gỗ quý có niên đại càng lớn, giá bán càng cao, thậm chí có cái trị giá gần chục ngàn đô la Mỹ.
Trước đây, loại tượng này chỉ cần vào khu nghĩa địa của người dân tộc ở Đắk Lắk, Kon Tum, Đà Lạt… thì tha hồ chiêm ngưỡng từ bên ngoài vào tận nhà mồ bên trong. Thế nhưng hiện nay, mỗi khi thấy có người lạ lãng vãng quanh khu nhà mồ nào đó, thì người dân nơi đó rất cảnh giác.
Theo “bật mí” của chị Hương, một người chơi đồ cổ “có số má” ở Sài Gòn thì, hiện trong giới chơi đồ cổ đang rộ lên phong trào săn các loại tượng gỗ, đặc biệt là tượng nhà mồ của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
Nguyên nhân ban đầu chỉ là thú sưu tầm các vật dụng điêu khắc từ gỗ của “đại ngàn” từ cung, nỏ, đàn, ché, cầu thang, tượng nhà mồ… của vài “đại gia”, trong đó nổi bật nhất là ông H., giám đốc một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng với cả ngàn hiện vật.
Tuy nhiên sau đó không biết từ đâu xuất hiện tin đồn, ông H vừa “trúng mánh” lô tượng Nhà mồ bán cho khách Tây với giá vài chục ngàn đô la Mỹ?
Thế là, việc săn tượng Nhà mồ Tây Nguyên được giới trao đổi, mua bán đồ cổ âm thầm vào cuộc săn tìm, tuy không ồn ào nhưng không kém phần sôi động. Đặc biệt, với những bức tượng cổ làm từ các loại gỗ quý mà hiện đang bị cấm khai thác trở nên khan hiếm như trầm, trắc, mun, cà chít, căm xe… có giá mua lên đến cả ngàn đô la Mỹ.
Và gần đây có thêm tin đồn, dân làm ăn nếu ai có đặt tượng Nhà mồ phù hợp tại nơi làm việc sẽ “cầu được, ước thấy”. Trong lúc kinh tế khó khăn, làm ăn trì trệ, nhiều “đại gia” nghe thế đã không ngần ngại chi số tiền lớn để “thỉnh” về một tượng nhà mồ phù hợp theo lời phán của “thầy cúng” để cầu may cho công việc kinh doanh của mình tùy theo cung mạng như: tượng thương nhớ, tượng sinh hoạt, tượng người và thú, tượng phồn thực…
Lời đồn càng được nâng tầm khi có tin vài “đại gia” trong ngành kinh doanh bất động sản dự án thoát nguy “ăn may” đúng lúc vừa “thỉnh” về một tượng Nhà mồ. “Một đồn mười, mười đồn trăm” càng làm cho làn sóng săn loại tượng gỗ này sôi động hơn bao giờ hết.
Với người Tây Nguyên, đơn giản quan niệm chết là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới của hồn ma. Ngôi Nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng của người sống và người chết.
Mặc dù về mặt nghệ thuật, cái đẹp của tượng Nhà mồ nằm ở chính chỗ các nghệ nhân tự do phóng tác. Những bức tượng không chỉ thể hiện sự tài hoa mà còn chứa đựng tình cảm của người ở lại dành cho người đã khuất. Ngoài giá trị tâm linh, tượng Nhà mồ còn là kho báu chứa đựng các giá trị mỹ thuật mang đậm nét dân dã, nguồn cội.
Thế nhưng, nạn đổ xô săn tượng Nhà mồ - một giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bản địa như hiện nay đã và đang biến chúng trở thành hàng hóa, làm mất đi bản sắc, giá trị vốn có của nó.
Có cầu ắt có cung, lợi dụng lúc phong trào đang “lên”, để có hàng bán cho khách hàng với giá cao trong lúc tượng thật ngày càng khó kiếm, trên thị trường đã xuất hiện tượng Nhà mồ giả cổ.
Theo chị Hương, đã có không ít “đại gia” do không am hiểu về đồ gỗ cổ, cũng như kiến thức về tượng Nhà mồ nhưng “lắm tiền nhiều của” đã bỏ ra số tiền lớn để rước về “tượng cổ mới toe” mà không biết mình đã "bế cái nhầm”. Đến khi có người phát hiện ra sự việc, chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tự an ủi bằng cách “ tượng nào cũng là tượng”!
Theo infonet
Bình luận