(VTC News) - Theo sự hiểu biết của tôi, trong đại gia đình các nhạc sỹ Việt Nam có chừng mươi người mang họ Hoàng, trong đó “oách” nhất là 5 vị, họ sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1923-1931 và đều giỏi giang đáng kính.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp |
Tất cả đều sở hữu một gia tài tác phẩm đáng nể và nếu chỉ được phép kể tên 2 tác phẩm tiêu biếu nhất thì sẽ thấy Hoàng Phú với Tạ từ và Em đến thăm anh một chiều mưa, Hoàng Giác với Mơ hoa và Ngày về, Hoàng Hà với Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn và Đất nước trọn niềm vui, Hoàng Vân với Hò kéo pháo và Người chiến sỹ ấy còn Hoàng Hiệp là Bên ven bờ HiềnLương và Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây.
Trong 5 vị ấy, trừ nhạc sỹ Hoàng Giác ra, tôi có may mắn quen biết 4 người còn lại và với họ, tôi tự xem mình như lớp đàn em, những người học trò về âm nhạc.
Hôm kia, “em út” của nhóm “ngũ hổ” là Hoàng Hiệp đã từ biệt dương thế, để lại nỗi thương tiếc cho thật nhiều người thân, người hâm mộ và đồng nghiệp. Còn tôi thì lại nhớ mãi một trong những nét đẹp từ thái độ sống của Hoàng Hiệp, đó là sự lạc quan và khiêm nhường khi để cập tới đồng nghiệp.
Do có may mắn tiếp xúc nhiều lần với ông, tôi hiểu và chia sẻ tình cảm của người nhạc sỹ miền Nam tập kết với đồng nghiệp, trước hết là với những nhạc sỹ họ Hoàng.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp từng tâm sự và tỏ ý thán phục nét lãng mạn trong ca từ và giai điệu của Mơ hoa và Ngày về. Ông cũng là một trong những nghệ sỹ tỏ rõ sự bất bình khi biết người ta đã đối xử chưa công bằng với nhạc sỹ đàn anh Hoàng Giác, chỉ vì chính quyền Sài Gòn từng lấy Ngày về làm nhạc hiệu cho Đài Sài Gòn trong chương trình phát thanh mang tên “Chiêu hồi”. Tác giả Cô gái vót chông biết rõ nhạc sỹ Hoàng Giác có máu mê môn quyền anh như người cha từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc Kỳ.
Ông cũng ca ngợi sở học và sự lịch lãm của nhạc sỹ Tô Vũ (Hoàng Phú), nguyên Giám đốc Viện âm nhạc Việt Nam, lại hết lời khen câu kết trong bài hát của nhạc sỹ Tô Vũ - Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về…
Hoàng Hiệp ưa hài hước và rất vui tính. Dự trại sáng tác âm nhạc và thơ trên Tây Nguyên năm 1985, còn có hai nhạc sỹ lớn tuổi khác là Phan Huỳnh Điểu (1924) và Xuân Hồng (1928), Hoàng Hiệp hay trêu đùa 2 vị kia làm các trại viên rất vui. Ông khen cái khăn dù kỷ niệm mà vị cựu Trưởng đoàn văn công Quân giải phóng Xuân Hồng quàng trên cổ song lại cho rằng chủ nhân chiếc khăn này trông như Hai Lúa.
Khi nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đọc ca từ ở sáng tác mới của anh là Hơ Giang làm lúa nước có câu mở đầu Mặt trời chưa thức, trên đình núi Zang Sin, sương đêm còn buông khắp núi rừng Tây Nguyên…., Hoàng Hiệp cười lớn với tác giả và nói “Ông Phan Huỳnh Điểu là thích cái đoạn này lắm đó”.
Thì ra trong một bài mới sáng tác khi đi thực tế tại công trình thủy điện Đa Nhim, Lâm Đồng, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã mở đầu “Khi chiều buông xuống Đa Nhim là đêm dần buông…”
Còn nữa, khi tôi đang phân vân với câu kết ca khúc Tình rừng với phần lời của nhà thơ Trần Mạnh Hảo có câu “Thắm mãi tình rừng cao nguyên xanh” và được NS Phan Huỳnh Điểu đứng ở bên “gà” rằng “Cậu lấy kết là thắm mãi tình tình em yêu anh đi” thì lập tức Hoàng Hiệp nói ngay “Đó, ông ấy lại muốn cậu lẩy cái tứ em yêu anh ở bài Đa Nhim đó”, được biết trong bài hát đã nói trên, nhạc sỹ họ Phan đã kết bằng cụm từ tình “em yêu anh”…
Có lúc, nhạc sỹ Hoàng Hiệp rất tự tin khoe mình đã biết thế nào là Trường Sơn, không kể cái bài hát phổ thơ Phạm Tiến Duật, ông bảo “Hoàng Vân thiệt là giỏi khi viết Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Hoàng Hà cũng không kém khi ra đời Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, và mấy anh khác nữa chứ không như tay này” Ông nói và chỉ vào một đồng nghiệp ngồi đó rồi cười sảng khoái. Các đàn anh ở giới nhạc vui đùa như thế đó.
Hoàng Hiệp sành bóng đá ra trò. Tôi cam đoan ở 81 Trần Quốc Thảo ngày đó, hai ông Hoàng Hiệp và Diệp Minh Tuyền đủ sức đấu với khối bình luận viên bóng đá trẻ đang lên sóng ở thời điểm hiện tại.
Bằng chứng là họ cãi nhau rất sôi nổi và bất phân thắng bại về cú ăn mừng bàn thắng của Bebeto tại World Cup 1994, rằng những ai từng ăn mừng kiểu này và tiết điệu đó là loại gì, hoặc giả, ai mới là tác giả thực của lối santo mừng chiến thắng, vv và vv...
Tôi cho rằng giới nhạc nhiều vị am tường bóng đá lắm, phía trong là thế, còn ngoài Hà Nội, NS Trọng Bằng là nhân vật đáng kể, tiếc là chưa nhà đài nào mời ông lên sóng. Hôm nay khi viết mấy dòng này, tôi bồi hồi nhớ lại hai nhạc sỹ ấy và cả “Quả chôm chôm biết hát” (NS Phạm Trọng Cầu), thế là bóng đá Việt Nam mãi mãi mất đi mấy đồng minh đáng quý, đau lắm thay!
Nhạc sĩ Nguyễn Lưu
Bình luận