Chia sẻ về vụ chồng giả mạo hồ sơ để lấy trộm phôi thai của vợ tại Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) vừa qua, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia đầu ngành về hỗ trợ sinh sản, cho rằng, rất có thể hồ sơ giấy tờ được người chồng làm giả tinh vi gồm nhiều hình thức, cả về giấy tờ tùy thân, chữ ký, giấy ủy quyền. Có như vậy mới “dễ dàng” lấy phôi được.
Vụ việc khiến ông liên tưởng tới rất nhiều trường hợp mang thai hộ hay môi giới mang thai hộ. Có người chồng làm giả tất cả giấy tờ để mang thai hộ, đến khi chuẩn bị lấy phôi thì người vợ thật mới biết mà đến.
“Có trường hợp chồng đến viện khăng khăng với bác sĩ là chịu trách nhiệm toàn bộ để chuyển phôi vào người phụ nữ khác, nhưng chúng tôi quyết không làm. Tất cả phải tuân thủ đúng luật pháp quy định. Họ làm sao có thể chịu trách nhiệm được”, ông Tiến nói.
Tại Nghị định 176/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Điều 33, Khoản 2 quy định phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật.
- Không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp người chồng lấy cắp phôi thai của vợ, GS Tiến khẳng định, người này vi phạm quy định của Nghị định 176/2013, với mức phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, để ngăn chặn tình trạng giả hồ sơ nhằm thực hiện mang thai hộ, khi gặp những đề nghị như vậy, bác sĩ và trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện phải kiên quyết từ chối. Mặt khác, bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản phải có phương pháp tăng cường quản lý phôi thai và hồ sơ sao cho thật chặt chẽ, hạn chế tối đa các trường hợp giả mạo để chuyển phôi thai.
“Bệnh viện có thể gọi điện mời riêng cả hai người - vợ và chồng - tới để làm việc, kiểm tra, xác minh thay vì chỉ nghe một phía. Như vậy, sẽ tránh được những rủi ro không đáng có”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cho biết thêm, để tăng cường tính bảo mật thông tin, Bộ Y tế đang triển khai ứng dụng công nghệ quản lý phôi thai tại các trung tâm, bệnh viện hỗ trợ sinh sản bằng mống mắt, vân tay… Tuy nhiên, cần một thời gian nữa, hệ thống này mới được đưa vào hoạt động.
Gần đây, bà Nguyễn Thị Nhân (ở Quế Võ, Bắc Ninh) tố chồng cũ lấy trộm phôi thai của mình đang lưu trữ tại Bệnh viện Bưu điện để sử dụng cho tình nhân là bà G.T.D. (45 tuổi, trú tại Bắc Giang).
Bà Nhân cho biết, bà và chồng cũ kết hôn năm 1990, có 4 con. Năm 2017, họ sàng lọc được 2 phôi và chuyển một phôi vào tử cung người vợ. Tháng 9/2018, bà sinh bé trai. Phôi còn lại, hai vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để lưu trữ, cấp đông.
Khi đang chăm con trai 7 tháng tuổi, bà Nhân bất ngờ nhận được cuộc gọi của Bệnh viện Bưu điện hỏi về tình hình sức khỏe của thai nhi. Người phụ nữ này hỏi thêm thì được thông báo bà vừa được chuyển phôi và đã đậu thai.
Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà Nhân làm việc với bệnh viện và tra hỏi chồng. Lúc này, ông chồng thừa nhận lấy phôi của vợ cho một người phụ nữ khác mang thai. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận