(VTC News) – Nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng đang trong chiều hướng tăng trở lại.
Nợ có khả năng mất vốn tăng
Cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM công bố tính đến cuối tháng 8, nợ xấu tại Tp.HCM tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Các khoản nợ dưới chuẩn của hệ thống ngân hàng Tp.HCM là 60.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 6,1%.
Báo cáo cho biết tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính cao nhất, chiếm 21- 37% dư nợ cho vay của các đơn vị này. Trong khi đó, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại phần lớn đều dưới mức quy định 3%, ngoại trừ một số ngân hàng như DongABank (6,8%), Ngân hàng Bản Việt (3,61%).Nợ xấu đang tăng trở lại
Trong những tháng cuối năm, theo “hiệu triệu” của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng giảm lãi suất huy động, để từ đó giảm lãi suất cho vay và đẩy nhanh tốc độ giảm ngân. Ngân hàng đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu tăng tưởng tín dụng đạt 12% đến 14%.
Giải ngân nhiều đồng việc với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Chính vì vậy, khi đón nhận báo cáo tài chính quý 3 của hệ thống ngân hàng, nhà đầu tư sớm dự đoán kịch bản này.
Đúng như dự đoán của giới đầu tư, rất nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức cao. Tại thời điểm cuối quý 3, ACB có tổng cộng 3.479 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 70%. Tỷ lệ nợ xấu là 3,07%, tương đương hồi đầu năm.
Tại BIDV, giải ngân và nợ xấu song hành cùng nhau. Theo báo cáo hợp nhất, đến 30/9 tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 5,47% với tổng dư nợ cho vay khách hàng 412.433,58 tỷ đồng.
Nợ xấu của BIDV tăng 7,3% trong 9 tháng với tổng nợ xấu là 7.961 tỷ đồng, chiếm 1,93% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 5.371,35 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng giống như BIDV, Vietcombank đẩy mạnh giải ngân cho khách hàng vay vốn. Tổng cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 là 302.180,75 tỷ đồng, tăng 27.866,54 tỷ đồng, tương ứng 10,16% so với cuối năm 2013.
Nợ xấu tại Vietcombank giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Tổng nợ xấu cuối quý 3 là 7.686,25 tỷ đồng, chiếm 2,54% tổng dư nợ. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn lại tăng vọt, tăng 1.933,75 tỷ đồng, tương đương 69,26% so với cuối năm ngoái và đạt 4.725,74 tỷ đồng.
Eximbank là ngoại lệ, dù tăng trưởng tín dụng âm nhưng nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng. Tại ngày 30/9, tổng cho vay khách hàng là 80.069,51 tỷ đồng, giảm 3.284,72 tỷ đồng, tương ứng 3,94% so với cuối năm 2013. Nợ xấu đạt 2.689,32 tỷ đồng, chiếm 3,36% tổng nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.413,2 tỷ đồng, tăng 339,4 tỷ đồng so với cuối năm 2013.
Trích lập dự phòng thấp
Khi nợ xấu tăng, điều cần thiết với một ngân hàng là tăng cường dự phòng rủi ro tín dụng. Nhưng hiện tại, dự phòng tại một số ngân hàng hoặc cải thiện rất ít, hoặc giảm đáng kể.
Trong kỳ, dù nợ xấu đứng ở mức cao nhưng ACB lại trích lập dự phòng khá thấp. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này quý 3 chỉ đạt 85,67 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 664,39 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn rất thấp.
Tương tự ACB, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Eximbank điều chỉnh tăng nhưng rất khiêm tốn so với khoản nợ xấu. Chỉ tiêu này quý 3 chỉ đạt 84,48 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng, Eximbank dành 280,23 tỷ đồng để đối phó rủi ro tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank giảm nhẹ nhưng ngân hàng này vẫn phải đối mặt với nợ có nguy cơ mất vốn tăng vọt. Dù vậy, dự phòng rủi ro tín dụng quý 3 cũng chỉ tăng khoảng 10% lên 1.104,96 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 3.513 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận tăng vọt, dù nợ xấu đi lên, BIDV bất ngờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ tiêu này trong quý 3 chỉ đạt 1.046,94 tỷ đồng, giảm 356,89 tỷ đồng, tương ứng 25,42% so với cùng kỳ năm 2013, 9 tháng đạt 3.914,06 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhiều ngân hàng đang đối mặt với nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tăng. Trong khi đó, SHB và Techcombank lại “đi ngược thị trường” khi điều chỉnh giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank chỉ còn 2,96% tổng dư nợ.
Bảo Linh
Bình luận