• Zalo

Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật đản

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 22/05/2024 06:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại lễ Phật đản - Vesak được Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm hằng năm vào ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch.

Phật đản là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, là dịp để hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới kỷ niệm và tưởng nhớ ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập Phật giáo và là vị đạo sư vĩ đại nhất của những người theo tôn giáo này trong lịch sử.

Nguồn gốc của lễ Phật đản

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, lễ Phật Đản là lễ kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa của tiểu quốc Shakya, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ cổ, tương đương với mùng 8/4 Âm lịch theo lịch Trung Quốc cổ, vào năm 624 trước Công nguyên.

Trước đây, các nước châu Á theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông) thường tổ chức Đại lễ Phật Đản vào mùng 8 tháng 4 Âm lịch, trong khi các nước theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Nam tông) lại tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Vesak, tương đương với ngày 15 tháng 4 Âm lịch. Sự khác biệt này xuất phát từ việc các nước sử dụng các loại lịch khác nhau.

Tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 25/5 đến ngày 8/6 năm 1950, đại biểu Phật giáo từ 26 nước đã thống nhất lấy ngày Phật đản là ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch cổ Ấn Độ, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch.

Từ năm 1999, Liên Hợp quốc công nhận Phật giáo là tôn giáo điển hình của nhân loại và Đức Phật là nhân vật Văn hóa Tôn giáo được tôn vinh. Đại lễ Vesak được Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm hằng năm vào ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch. Đây là Đại lễ tam hợp Đức Phật, kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong đời Đức Phật: Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.

Việt Nam đã ba lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019. Theo truyền thống, Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam được tổ chức trang trọng và thành kính, kéo dài từ đầu tháng đến sau ngày chính lễ là 15/4 Âm lịch.

Năm 2024, sự kiện lễ Phật đản diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 22/5 Dương lịch. Ngày này không chỉ là dịp để tôn vinh và kính mừng cuộc đời, công đức của Phật, mà còn là cơ hội để Phật tử ôn lại, tu tập theo giáo lý của Ngài, đồng thời cũng là dịp để những người theo đạo Phật dâng hương tưởng nhớ và cầu nguyện cho bản thân và gia đình được thân tâm an lạc.

Năm 2024, sự kiện lễ Phật đản diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 22/5 Dương lịch.

Năm 2024, sự kiện lễ Phật đản diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 22/5 Dương lịch.

Ý nghĩa của lễ Phật đản

Đại lễ Phật đản có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, đặc biệt là đối với những người theo đạo Phật. Đại lễ này thể hiện sự tôn kính, tri ân và báo ân đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người được Liên Hợp Quốc tôn vinh và thế giới ca ngợi về đạo đức từ bi cũng như tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, nhân văn.

Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ từng nói về đại lễ Phật đản rằng: Hình tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất với câu nói “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn” (trên là Trời, dưới là Đất, ở giữa là Ta), nhắc nhở mỗi người phải biết làm chủ cuộc sống và nghiệp lực của mình. Tư duy, lời nói và hành động của mỗi người sẽ tạo nên nghiệp quả cho chính họ theo luật nhân quả.

Đại lễ Phật đản là dịp để mỗi người con Phật tự nhận diện lại chính mình. Hoạt động tắm nước thơm cho tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh là một biểu tượng giúp mỗi người trở về với chính bản thân. Việc tắm tượng Phật không phải là tắm cho Đức Phật thật sự, mà là một hành động tượng trưng. Đức Phật không cần được tắm và ngài không hiện diện trong pho tượng. Thực chất, việc tắm tượng Phật Thích Ca sơ sinh là tắm biểu trưng, gọi là tắm Phật nhưng thực ra là tắm cho chính mình.

Ba gáo nước thơm dùng để tắm Phật mang những ý nghĩa sâu sắc: Gáo nước đầu tưới vào vai và tay trái để gột rửa mọi điều sai trái. Gáo nước thứ hai tưới vào vai và tay phải để làm cho những điều tốt càng thêm tốt đẹp hơn. Gáo nước thứ ba tưới vào đầu để tâm trí thanh tịnh, sáng suốt.

Như vậy, việc tắm Phật chính là để tự làm sạch và làm mới bản thân. Sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật, mỗi người sẽ cảm thấy bản thân mới mẻ, sạch sẽ, tươi sáng và minh mẫn hơn. Trên khắp thế giới, những người con Phật cùng nhau chăm lo cho Đại lễ Phật đản, thể hiện tâm nguyện tốt đẹp vì một cuộc sống hòa bình, an vui.

Đại lễ Phật đản là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác hòa bình và hạnh phúc. Trong mùa Phật đản, các Phật tử khắp nơi thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ và động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.

Đại lễ Phật đản đề cao tinh thần tương trợ, khắc phục khó khăn và xây dựng cuộc sống an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo - Phật, Pháp, Tăng - qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng. Họ cũng thực hành ăn chay, giữ ngũ giới, bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà và tiền cho những người yếu thế trong cộng đồng.

Tùy Ý(Tổng Hợp)
Bình luận
vtcnews.vn