• Zalo

Phật Thích Ca và Phật A Di Đà khác nhau thế nào?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 14/03/2024 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người tưởng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà là một trong khi đây là 2 vị Phật ở 2 thời đại khác nhau; vậy dựa vào đặc điểm nào để phân biệt tượng của các ngài?

Nói đến đạo Phật, mọi người nghĩ ngay đến người sáng lập là Đức Thích Ca; trong khi câu “A Di Đà Phật” lại luôn được các phật tử tụng niệm. Điều này khiến không ít người vẫn nhầm lẫn Thích Ca và A Di Đà là tên của cùng một vị Phật.

Thật ra, theo niềm tin Phật giáo, có vô số vị Phật từng đến và sẽ đến thế gian để cứu độ chúng sinh; Đức Thích Ca và Đức A Di Đà là hai trong số đó.

Phật Thích Ca là ai?

Ngài là người sáng lập ra Phật giáo, một nhân vật mà lịch sử ghi nhận là có thật, thái tử vương tộc Gautama (Cồ Đàm) của tiểu quốc Shakya (Thích Ca) mà kinh đô là Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), tên thật là Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm). Ngài sống ở thế kỷ thứ 6, thứ 7 trước Công nguyên.

Phật Thích Ca.

Phật Thích Ca.

Kinh sách kể rằng, để tìm con đường thoát khổ cho loài người, thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngai vàng tương lai, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, người vợ xinh đẹp và đứa con trai vừa ra đời để sống đời tu hành. Sau 6 năm, ngài giác ngộ đạo quả, tìm ra nguyên nhân khiến chúng sinh luôn trầm luân trong đau khổ và cách để diệt khổ mà ngài gọi là Trung đạo – con đường từ bỏ lối sống xa hoa nhưng cũng không ép xác khổ hạnh như cách các nhà tu hành Ấn Độ thời ấy tôn vinh.

Từ đó, ngài được gọi là Đức Phật – Đấng Giác ngộ.

Trong suốt 45 năm kể từ khi thành đạo cho đến lúc nhập diệt ở tuổi 80, Đức Thích Ca dốc sức truyền bá, giảng dạy giáo lý trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật được nhiều thế hệ học trò ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi ông nhập niết bàn. Sau khi Đức Thích Ca qua đời, các thế hệ học trò ghi chép, tổng kết các lời dạy của ngài, tập hợp thành hệ thống kinh sách.

Trong Phật giáo có khái niệm Tam thế Phật, tức là các vị Phật ở 3 thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Đức Thích Ca được cho là đại biểu của Phật hiện tại, giáo chủ của cõi ta bà, thị hiện ở thế gian để giáo hóa chúng sinh. Ngài được tôn xưng là Phật Tổ Như Lai, Đức Thế Tôn.

Phật A Di Đà là ai?

Trong Tam thế Phật, Đức A Di Đà đại biểu cho các vị Phật quá khứ, là giáo chủ của thế giới cực lạc Tây phương. Theo Phật giáo Đại thừa, ngài xuất hiện trước đức Thích Ca rất lâu. Tên của ngài có nghĩa là Vô lượng thọ (thọ mệnh vô lượng), Vô lượng quang (ánh sáng vô lượng - hào quang trí tuệ chiếu khắp các thế giới), Vô lượng công đức.

Theo kinh Đại A Di Đà, thời rất xa xưa, quốc vương Kiều Thi Ca sau khi nghe một vị Phật thuyết pháp liền từ bỏ ngôi báu để đi tu, lấy hiệu là Pháp Tạng. Ngài phát ra 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh mà nếu chưa hoàn thành thì thề không thành Phật, trong đó có đại nguyện sẽ tịnh hoá một thế giới và biến nó thành vương quốc thanh tịnh, đẹp đẽ nhất để tiếp dẫn chúng sinh đến vãng sinh ở đó.

Tượng Phật A Di Đà. (Ảnh: Duongquangha)

Tượng Phật A Di Đà. (Ảnh: Duongquangha)

Rồi ngài hoàn thành đại nguyện và thành Phật A Di Đà. Thế giới tịnh hóa của ngài chính là nơi phật tử gọi là chốn Tây phương cực lạc.

Phân biệt tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà

Các đặc điểm nhận biết tượng Phật A Di Đà ở các ngôi chùa gồm: Trên trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười, khoác áo cà sa (nếu là tượng màu thì áo thường màu đỏ) có khoảng hở rộng ở ngực, trước ngực có chữ Vạn.

Tượng Phật A Di Đà có thể ở tư thế đứng, tay trái đưa ngang ngực, bắt ấn hoặc cầm hoa sen, tay phải buông xuống. Ở tư thế ngồi, ngài thường được khắc họa với tay bắt ấn thiền để ngang bụng, bàn tay phải nằm chồng lên lòng bàn tay trái và hai ngón cái chạm nhau; hoặc tay phải đưa ngang vai và hướng lên trên, trong khi tay trái bắt ấn thiền và để ngang bụng.

Hai bên Phật A Di Đà thường có hai vị Bồ tát gồm Quán Thế Âm bên trái (cầm cành dương và bình nước cam lộ) và Đại Thế Chí bên phải (cầm bông sen xanh).

Còn Phật Thích Ca có thể mặc áo cà sa hoặc áo choàng qua cổ màu vàng hoặc nâu, tóc có thể búi tó hoặc gồm các cụm xoắn ốc. Hình tượng ngài không nhất thiết giống người Ấn Độ, xuất phát từ quan niệm Thiền tông rằng trong mỗi người đều có Phật (Phật tính), do đó người nước nào có thể tạc tượng Phật giống người nước đó.

Hai bên tượng Phật Thích Ca thường có hai đại đệ tử là tôn giả Ca Diếp (ở bên trái, nét mặt già hơn) và tôn giả A Nan Đà (ở bên phải, nét mặt trẻ hơn).

NGUYỆT ÁNH

Link: Tổng hợp

Bình luận
vtcnews.vn