Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết đêm nay (3/1) là một đêm không trăng. Đây là thời điểm thích hợp để quan sát mưa sao băng. Thời gian quan sát lý tưởng nhất là rạng sáng ngày 4/1, khi chòm sao Bootes lên đủ cao và sáng.
Vào lúc cực điểm, mưa sao băng Quadrantids có thể đạt 50 đến 100 vệt/giờ, đôi khi còn nhiều hơn. Đây là con số không hề thua kém 2 trận mưa sao băng lớn nhất năm là Geminids và Perseids. Dù vậy, Quadrantids thường có ít sao băng dài và sáng hơn, cực điểm của nó cũng không kéo dài bằng 2 trận mưa sao băng trên.
Khu vực xảy ra mưa sao băng Quadrantids thuộc chòm sao Bootes, vì vậy mưa sao băng Quadrantids còn gọi là mưa sao băng Bootes.
Nếu không có đột biến về thời tiết, bầu trời đêm 3/1 trên khắp Việt Nam sẽ vắng mây hoặc rất ít mây, phù hợp để chờ đón sao băng. Tuy nhiên, người dân ở các đô thị lớn, nhiều khói bụi hoặc gần công trường sẽ có tầm nhìn hạn chế hơn.
Vào rạng sáng 4/1, chòm sao Bootes sẽ nằm ở bầu trời phía đông, hơi chếch sang đông bắc và bắt đầu lên khá cao từ 3h sáng. Tuy nhiên, nếu người ngắm sao băng chọn được vị trí tốt để quan sát được đường chân trời, họ có thể thấy sao Bootes từ lúc 1h. Nếu chưa có kinh nghiệm định vị các chòm sao, người xem chỉ cần hướng tầm nhìn về hướng đông và đông bắc để chờ đợi.
Ông Sơn cũng lưu ý một số cách để đảm bảo một trải nghiệm "canh" sao băng thành công nhất. Thứ nhất, người xem có thể theo dõi thời tiết bằng cách nhìn lên bầu trời đêm. Nếu họ có thể nhìn thấy những vì sao bình thường thì cũng sẽ thấy được sao băng khi chúng xuất hiện.
Thứ hai, người xem không cần mang theo thiết bị hỗ trợ khi quan sát sao băng mà chỉ cần tìm vị trí quan sát tốt, không bị các loại ánh sáng khác như đèn đường, đèn phương tiện giao thông, đèn từ các tòa nhà rọi vào mắt.
Bình luận