Video: Ý nghĩa những phong tục ngày Tết Việt
Tục khai bút đầu xuân dịp Tết cổ truyền
Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm hay chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút. Khai bút là một trong những phong tục ngày Tết Việt Nam rất đặc sắc.
Đây không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.
Theo quan niệm dân gian, những chữ “khai bút đầu xuân” phải do mình tự nghĩ ra, chứ không nên sao chép của người khác. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…
Ý nghĩa phong tục khai bút đầu xuân
Người xưa thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại... Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó những điều ước nguyện về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.
Các ông đồ hay các nho sĩ thời xưa thường viết câu đối hoặc viết một chữ thật đẹp để treo trong nhà, có người chỉ viết ngày tháng năm và một vài câu mang ý nghĩa may mắn như: 'Khai bút đại cát', 'Tân xuân đại cát'... Cũng có người viết lên những mong muốn của mình trong năm mới hay đơn giản là chép lại những đoạn văn hay, những bài thơ, những câu tục ngữ, danh ngôn ý nghĩa.
Ngày nay, tục khai bút đầu xuân đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến mà mang đậm ý nghĩa như xưa nữa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi ngoài những giá trị chân thiện mỹ, việc khai bút đầu xuân còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.
Do có ý nghĩa đề cao sự học nên phong tục khai bút đầu xuân vẫn được duy trì thường xuyên ở nhiều gia đình Việt Nam. Nó không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng răn dạy con cháu về đức tính hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện nghi thức khai bút thường diễn ra sau lễ giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người cẩn thận, họ còn đi xem trước ngày giờ tốt để khai bút với hy vọng đón nhiều tài lộc trong năm mới.
Một số điều lưu ý khi khai bút đầu xuân
Người khai bút nên chuẩn bị cho mình một cây bút thật tốt tránh việc trong khi viết bị hết mực, hay gặp một số trục trặc nào đó bởi đây là một trong những điều tối kỵ cần tránh khi khai bút đầu xuân.
Dưới đây là một số câu đối hay và ý nghĩa mà mọi người có thể lựa chọn:
‘Xuân an khang đức tài như ý/ Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên'
‘Tân niên, tân phúc, tân phú quý/ Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an'
‘Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố/ Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian'
‘Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa'
...
Gắn với tục khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành - một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người con Việt.
Bình luận